Dù cổ phiếu trong danh mục đầu tư đang "đỏ lửa" hay thị trường có tín hiệu sắp lao dốc mạnh, đừng hoảng hốt. Dưới đây là 3 công cụ nhà đầu tư có thể sử dụng để giữ bình tĩnh và đưa ra quyết định tốt nhất trong một đợt bán tháo.
Dù cổ phiếu trong danh mục đầu tư đang "đỏ lửa" hay thị trường có tín hiệu sắp lao dốc mạnh, đừng hoảng hốt. Dưới đây là 3 công cụ nhà đầu tư có thể sử dụng để giữ bình tĩnh và đưa ra quyết định tốt nhất trong một đợt bán tháo.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng việc hiểu rõ doanh nghiệp mình đầu tư có thể tạo ra tác dụng thần kỳ cho tâm trí trong đợt bán tháo. Bất cứ ai cũng có thể gặp may với một mã chứng khoán trong ngắn hạn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một nửa giá trị khoản đầu tư bốc hơi trong giai đoạn suy giảm?
Cám dỗ của việc bán ra cổ phiếu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết nếu nhà đầu tư không hiểu hoạt động kinh doanh hay vì sao cổ phiếu đó lại mất giá trị. Nếu bán tháo xảy ra trên diện rộng, khả năng lớn là cổ phiếu của doanh nghiệp tốt cũng đi xuống.
Điều này không có nghĩa là bạn nên khoanh tay đứng nhìn khi cổ phiếu tuột dốc. Nếu giá cổ phiếu giảm mạnh hơn đáng kể so với mặt thị trường chung, nhà đầu tư nên phân tích sâu hơn.
Duy trì cái nhìn dài hạn là bài học quan trọng giúp nhà đầu tư ứng phó với những sự kiện ngẫu nhiên trong ngắn hạn.
Sau cú sốc của đợt bán tháo Covid-19 đầu năm ngoái, cổ phiếu của nhiều công ty mạnh đã lao dốc do những thách thức ngắn hạn và trung hạn. Disney là ví dụ điển hình của cổ phiếu tốt rơi xuống đáy thấp nhất trong nhiều năm rồi lại lên đỉnh cao nhất mọi thời đại ngay trong năm 2020.
Ngoài giá trị gia tăng từ Disney+, nhà đầu tư nhận ra rằng dù doanh thu từ công viên giải trí và rạp chiếu phim của Disney lao dốc không phanh, điều đó không phải do sai lầm của công ty mà là do đại dịch.
Hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra ngay bây giờ khi nhiều công ty tìm cách xoay xở giữa các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát. Nhìn chung, những thách thức trong ngắn hạn này sẽ không làm thay đổi thành tích của doanh nghiệp trong dài hạn.
Mua cổ phiếu hay giao dịch quyền chọn bằng khoản vay từ công ty chứng khoán là một dạng đòn bẩy. Và đòn bẩy có thể khuếch đại lãi hoặc lỗ.
Các công ty chứng khoán sẽ cho khách hàng vay margin với lãi suất và quy mô khác nhau dựa trên một loạt yếu tố như kinh nghiệm đầu tư, quy mô vị thế, .... Nhưng dù giá trị cho vay margin hay lãi suất là bao nhiêu, sử dụng margin là một trong những hành động tồi tệ nhất của nhà đầu tư trong đợt bán tháo.
Khi giá chứng khoán cắm đầu lao dốc trong một tài khoản được tài trợ bằng tiền mặt, nhà đầu tư dài hạn có thể thấy được an ủi khi biết rằng họ sở hữu cổ phiếu của những công ty thực. Margin không hoạt động như vậy vì nhà đầu tư không thực sự sở hữu cổ phiếu mà là vay tiền để mua cổ phiếu hay giao dịch quyền chọn.
Khi giá chứng khoán rớt xuống một mức nhất định, công ty chứng khoán có thể call margin. Lúc này nhà đầu tư có hai lựa chọn: bán chứng khoán hay nộp thêm tiền vào tài khoản.
Không may là khi call margin xảy ra, nhiều nhà đầu tư buộc phải bán giải chấp trong lúc thị trường đi xuống vì họ không có tiền mặt để nộp thêm.
Giống như một công ty có quá nhiều nợ, việc dựa dẫm quá nhiều vào các khoản vay margin là dấu hiệu của sự mất an toàn tài chính. Dù việc dùng margin và khuếch đại lợi nhuận có thể rất hấp dẫn, rủi ro của việc dùng tiền vay lúc thị trường đi xuống có thể coi là lớn hơn nhiều.
Huyền thoại đầu tư Peter Lynch minh họa rủi ro của margin: "Khi bạn có một gia đình, một căn nhà, và thị trường đi xuống còn bạn thì lại đầu tư bằng tiền vay margin, có thể bạn sẽ gặp nhiều áp lực đến mức không thể suy nghĩ, nghiên cứu đúng đắn nhằm đưa ra quyết định tốt".
Cả ba chiến lược trên đều có điểm chung là giúp cho nhà đầu tư bình tĩnh tư duy. Việc giữ cho đầu óc tỉnh táo và tinh thần nhạy bén trong khi tài sản giảm mạnh không phải là điều dễ dàng. Đầu tư vào chứng khoán mà bạn hiểu, duy trì cái nhìn dài hạn và tránh vay margin là ba công cụ bạn có thể sử dụng để giữ sự tập trung trong giai đoạn hỗn loạn.