Lạm phát có thể lặp lại quỹ đạo của cuối những năm 1960, giai đoạn đặt tiền đề khiến giá hàng hóa liên tục tăng cao trong thập kỷ tiếp theo.
Lạm phát có thể lặp lại quỹ đạo của cuối những năm 1960, giai đoạn đặt tiền đề khiến giá hàng hóa liên tục tăng cao trong thập kỷ tiếp theo.
Nhà sử học kinh tế Niall Ferguson, thành viên cấp cao của Viện Hoover (Đại học Stanford) cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với một thách thức mới dưới dạng lạm phát, bắt nguồn từ phản ứng của ngân hàng trung ương Mỹ với đại dịch Covid-19.
"Thú vị là, thảm họa này có thể dẫn đến tai ương khác. Chúng ta có thể đi từ một thảm họa y tế cộng đồng đến một thảm họa tài chính, tiền tệ và có khả năng là thảm họa lạm phát", ông Ferguson nhấn mạnh.
"Đó không phải là một thiên tai cũng không giết chết người nhưng lạm phát leo thang sẽ là một vấn đề nhức nhối", nhà sử học kinh tế bày tỏ quan điểm.
Tháng 7/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ nhích 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008.
Các quan chức Fed và nhiều nhà kinh tế cho rằng đà tăng gần đây của lạm phát sẽ chỉ là "nhất thời", nhưng ông Ferguson đang đặt câu hỏi xoay quanh nhận định này.
"Nhất thời là bao lâu? Đến khi nào Fed thay đổi quan điểm về các động lực cơ bản, đặc biệt là sau khi các nhà hoạch định chính sách khẳng định 'Chúng tôi đã thay đổi mục tiêu lạm phát và có thể cho phép lạm phát vượt quá ngưỡng mục tiêu trong một thời gian'?", ông Ferguson cho hay.
"Cá nhân tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không lặp lại quỹ đạo của những năm 1970 mà sẽ trở lại giai đoạn cuối những năm 1960, khi Chủ tịch Fed khi đó là ông McChesney Martin không thể kiểm soát được dự đoán lạm phát", vị chuyên gia gợi ý.
Bình luận trên của ông Ferguson được đưa ra sau khi ông Kennth Rogoff, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kiêm giáo sư chính sách công của Đại học Harvard, công bố một bài viết vào tuần trước.
Trong đó, cựu kinh tế trưởng của IMF cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã ghi thêm một vấn đề mới vào danh sách các mối tương quan "đáng lo ngại" giữa xu hướng lạm phát những năm 2020 và những năm 1970.
Nhà sử học kinh tế Niall Ferguson cho rằng lạm phát tăng nóng trong thập niên 1970 có nguồn gốc từ cuối những năm 1960. Hơn nữa, ông nói rằng còn quá sớm để tự tin khẳng định đợt tăng hiện nay là tạm thời.
Dữ liệu về giá nhà tháng 6 và dự đoán về chỉ số CPI tháng 8 có thể khiến Fed thêm lo lắng. Tháng 6 vừa qua, chỉ số S&P/Case-Shiller dùng để đo lường giá nhà tại 20 thành phố lớn ở Mỹ tăng đến 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng lớn nhất của chỉ số này kể từ năm 1987.
Theo một cuộc khảo sát từ tổ chức phi lợi nhuận The Conference Board, người tiêu dùng Mỹ cho rằng lạm phát trong 12 tháng qua nhích khoảng 6,8%, tăng tròn 1 điểm % so với năm trước.
Ông Ferguson cho biết biến chủng Delta có thể đã buộc Fed phải chấp nhận hạ nhiệt cho nền kinh tế Mỹ một chút sau một mùa hè "rực lửa", nhưng các yếu tố ngoại cảnh khác cũng có thể tác động đến Fed.
"Các đợt bùng nổ của lạm phát trong lịch sử gần như luôn gắn liền với chiến tranh. Cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh tương lai của đảo Đài Loan có thể là một yếu tố làm giảm kỳ vọng lạm phát", ông Ferguson gợi ý.
Vị chuyên gia suy đoán rằng sau việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể coi đây là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang không muốn xảy ra xung đột quân sự và Bắc Kinh có thể chớp thời cơ để kiểm soát hoàn toàn Đài Loan. Điều đó có thể buộc Mỹ phải quyết định có nên leo thang căng thẳng với Trung Quốc hay từ bỏ vị trí lãnh đạo trên toàn cầu, ông Ferguson tiếp tục.