Sở hữu khối tài sản lớn nhưng Sam Bankman-Fried lại là người tương đối giản dị, thường xuyên mặc áo phông quần đùi đi làm và hiếm khi nghỉ ngơi.
Sở hữu khối tài sản lớn nhưng Sam Bankman-Fried lại là người tương đối giản dị, thường xuyên mặc áo phông quần đùi đi làm và hiếm khi nghỉ ngơi.
Năm 2021, một trong những người giàu nhất Hong Kong, cũng có thể là người giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi, đã xây dựng khối tài sản khổng lồ của mình nhờ tiền điện tử.
Bankman-Fried có cha mẹ là giáo sư tại Trường Luật Stanford. Anh tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts với chuyên ngành vật lý và ban đầu muốn theo đuổi sự nghiệp học thuật.
Sau đó, phong trào "effective altruism" đã thúc đẩy anh làm việc trong lĩnh vực tài chính nhằm kiếm tiền nhanh chóng để quyên góp cho các quỹ từ thiện.
Trong thời gian 3 năm làm giao dịch viên tại Jane Street, một công ty ở Phố Wall, Bankman-Fried đã xây dựng các mô hình để định lượng lợi nhuận từ các khoản đóng góp của mình.
Sam Bankman-Fried hiện sở hữu khối tài sản trị giá 8,7 tỷ USD, theo Forbes. Tuy nhiên, con số đó có thể lớn hơn nhiều, tùy thuộc vào kết quả vòng gọi vốn sắp tới khả năng sẽ làm tăng mạnh định giá của FTX, sàn giao dịch phái sinh tiền điện tử có trụ sở tại Hong Kong mà anh thành lập vào năm 2019.
Mặc dù giàu có là vậy, cựu thương nhân Phố Wall vẫn giữ cho mình lối sống giản dị. Anh ăn chay, ở chung một căn hộ với bạn cùng phòng, mặc áo phông và quần đùi đi làm,…
Bankman-Fried tự mô tả mình là một người nghiện công việc với kỷ luật bản thân nghiêm ngặt. Anh dành phần lớn buổi đêm ở văn phòng và chỉ trở về nhà khi các nhân viên đã "chán ngấy việc nhìn thấy mặt tôi", Bankman-Fried chia sẻ.
Bankman-Fried gần như không bao giờ uống rượu hoặc đi du lịch, bởi theo anh, bộ não sẽ hoạt động kém hiệu quả sau một thời gian dài nghỉ ngơi.
Vòng tài trợ cho FTX khi được hoàn thành có thể đưa công ty của anh trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ tài chính có giá trị nhất ở châu Á.
Hong Kong dự kiến sẽ đưa ra một dự luật trong năm tới để yêu cầu tất cả các sàn giao dịch hoạt động trong thành phố phải được cấp phép. Theo đó, khả năng chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có giá trị tài sản ròng cao mới được phép giao dịch tiền điện tử.
Bankman-Fried đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng nếu lệnh cấm của thành phố đối với các nhà đầu tư bán lẻ cũng được áp dụng cho công dân của các khu vực pháp lý khác, FTX sẽ rời Hong Kong.
Động thái thắt chặt quy định của Hong Kong diễn ra khi các quốc gia châu Á khác cũng đang đối mặt với nhiều phản ứng khác nhau liên quan đến thị trường tiền điện tử.
Tháng 5, Hàn Quốc đã giới thiệu một dự luật cho phép các cơ quan quản lý tài chính có quyền phê duyệt mã thông báo kỹ thuật số, qua đó đem đến cho các cơ quan chức năng công cụ để chống lại việc thao túng giá của các sàn giao dịch.
Các nhà chức trách ở Hàn Quốc đã tịch thu tài sản tiền điện tử từ hàng nghìn cá nhân trong một cuộc điều tra trốn thuế. Singapore và Nhật Bản cũng thiết lập các chế độ cấp phép trao đổi nhưng không hạn chế hoạt động kinh doanh bán lẻ.
Trong khi đó, Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về ngành công nghiệp tiền điện tử. Các nhà chức trách nước này đã đóng cửa 26 hoạt động khai thác Bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên trong tháng 6. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn tác động tới giao dịch tiền điện tử.
Vai trò trong khu vực của Bankman-Fried bắt đầu vào cuối năm 2018 khi anh chuyển đến Hong Kong để bắt đầu khai thác FTX. Ở đây, anh cũng tuân theo các quy định khắt khe hơn Mỹ, nơi cấm nhiều sản phẩm tiền điện tử.
Dựa trên sự bùng nổ của thị trường tiền điện tử, FTX đã ghi nhận khối lượng giao dịch hơn 400 tỷ USD vào tháng 4, đánh dấu mức tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đưa nền tảng này trở thành một trong những sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số hàng đầu thế giới.
Khác với các nền tảng giao dịch tiền điện tử định hướng cho người mới bắt đầu như Coinbase, FTX được biết đến với các sản phẩm phái sinh phức tạp, tương tự như các sản phẩm được bán bởi những ngân hàng đầu tư, bao gồm hợp đồng tương lai, quyền chọn, chỉ số đo lường trạng thái biến động (VIX) và Token đòn bẩy.
Theo Bankman-Fried, những sản phẩm như vậy cho phép người dùng, hầu hết là các nhà giao dịch có mức độ tương tác cao và nguồn tài chính ổn định, sử dụng các loại tiền kỹ thuật số và kiếm lợi nhuận từ việc thay đổi trên thị trường.
Sự quan tâm của nhà đầu tư đối với tiền điện tử tăng lên đã nâng mức định giá đối với FTX, vốn đã đạt 1 tỷ USD vào năm trước. Theo Bankman-Fried, mức định giá của FTX sẽ tăng lên 20 tỷ USD khi hoàn thành vòng gọi vốn sắp tới.
Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới dựa trên khối lượng giao dịch và là đối tác chiến lược của FTX và cũng là nhà đầu tư sớm vào nền tảng này.
Theo Bankman-Fried, bản thân FTX đủ lợi nhuận để tài trợ cho sự tăng trưởng của chính mình. Anh cho biết sàn giao dịch này kiếm được trung bình khoảng hai điểm cơ bản cho mỗi giao dịch, có nghĩa là nó có thể thu về hơn 1 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Với nguồn vốn mới, FTX cũng đang tìm cách mua lại để nhắm mục tiêu đến các nhà đầu tư bán lẻ và xin giấy phép ở các khu vực pháp lý khác. Tháng 8/2020, FTX đã mua lại Blockfolio, ứng dụng giao dịch tiền điện tử tập trung vào người tiêu dùng với giá 150 triệu USD.
Sàn giao dịch tiền điện tử này cũng đang chi lớn để xây dựng nhận thức về thương hiệu ở Mỹ, mặc dù nhiều sản phẩm phái sinh không có sẵn cho khách hàng Mỹ do các quy định. FTX đã mua quyền đặt tên 19 năm cho sân nhà của Miami Heat, CLB đang chơi tại giải nhà nghề Mỹ NBA trong một hợp đồng trị giá 135 triệu USD. Tên của sân vận động sẽ đổi thành FTX Arena cho mùa giải NBA 2021-2022.
Tháng 6, một tổ chức lớn hoạt động trong lĩnh vực thể thao điện tử có trụ sở tại Los Angeles là TSM đã thông báo rằng họ sẽ đổi tên thành TSM FTX, sau khi đạt được thỏa thuận 10 năm, trị giá 210 triệu USD.
Cũng trong cùng tháng, FTX đã ký hợp đồng tài trợ với Major League Baseball để trở thành nhà tài trợ trao đổi tiền điện tử đầu tiên trong các môn thể thao chuyên nghiệp của Mỹ. Từ ngày 13/7, logo FTX sẽ xuất hiện trên đồng phục trọng tài MLB.
Bản thân Bankman-Fried vốn đã thu hút sự chú ý của công chúng khi quyên góp hơn 5 triệu USD cho một nhóm ủng hộ chiến dịch của Tổng thống Joe Biden, qua đó trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho ông Joe Biden.
Tỷ phú tiền điện tử hiện tiếp tục theo đuổi các mục tiêu ban đầu là quyên góp từ thiện. FTX cam kết quyên góp 1% doanh thu cho các tổ chức từ thiện, bao gồm Open AI. Đến nay, họ đã quyên góp được 10 triệu USD.
Có rất nhiều lo ngại rằng tiền điện tử sẽ tiếp tay cho các hoạt động bất chính, chưa kể lượng khí thải carbon khổng lồ liên quan đến việc khai thác tài sản như Bitcoin.
Khi được hỏi rằng những vấn đề này có đi ngược với lý tưởng từ thiện của mình hay không, ông Bankman-Fried cho biết những vấn đề đó sẽ được khắc phục với sự tuân thủ và công nghệ phù hợp.