Cùng với Warren Buffett, Charlie Munger là một trong những huyền thoại đầu tư cừ khôi nhất mọi thời đại. Và cũng giống như người bạn lâu năm, ông rất hào phóng tặng những lời khuyên giá trị cho nhà đầu tư.
Cùng với Warren Buffett, Charlie Munger là một trong những huyền thoại đầu tư cừ khôi nhất mọi thời đại. Và cũng giống như người bạn lâu năm, ông rất hào phóng tặng những lời khuyên giá trị cho nhà đầu tư.
Trong cuộc họp cổ đông của tờ The Daily Journal hồi tháng 3/2021, một người đặt câu hỏi làm thế nào nhà đầu tư có thể đối phó với những "cơn điên" trên thị trườngn chứng khoán, ví dụ như đà tăng hỏa tốc của cổ phiếu meme.
Munger trả lời: "Chủ nghĩa tư bản có những giai đoạn kiểu vậy. Tôi đã sống lâu và chính sách của tôi luôn là ở lại thị trường và đương đầu với chúng. Và tôi nghĩ đó là những gì các bạn nên làm".
Hành vi mà Munger khuyên nhà đầu tư nên tránh: "Điều mà rất nhiều nhà đầu tư làm là đổ xô mua cổ phiếu trong cơn sốt – thường là bằng tiền vay nợ - vì họ thấy rằng giá đang lên. Dĩ nhiên, đây là cách đầu tư rất nguy hiểm". Ông ví hành vi này với đánh bạc.
Sam Huszczo, nhà sáng lập SGH Wealth Management nhận xét rằng cách so sánh của Munger hoàn toàn đúng: "Mọi khoản đầu tư bạn sở hữu đều nên có mục đích. Nếu bạn không thể đưa ra lý do vì sao bạn bỏ ra số tiền đó, thì bạn đang dùng cách tiếp cận như đánh bạc khi đầu tư. Bạn chỉ đang hy vọng mình sẽ ăn may".
Gần đây, những nhà đầu tư cổ phiếu meme đã gặp may. Tuy nhiên, bà Christine Benz, Giám đốc tài chính cá nhân tại Morningstar cảnh báo: "Như chúng ta đã biết, lịch sử và thành tích trong quá khứ chưa chắc là chỉ báo cho tương lai".
Cách tốt nhất để mặc kệ sự điên cuồng của đám đông là gắn bó với kế hoạch của mình, bà chỉ ra.
Một số cổ đông hỏi Munger rằng liệu thị trường đã quá nóng. Họ so sánh việc nhà đầu tư ồ ạt mua bán cổ phiếu của các công ty mới lên sàn với tình hình “bong bóng” dot-com cuối những năm 1990.
Munger đồng ý rằng "kiểu đầu cơ điên khùng này" là "dấu hiệu của một “bong bóng” đáng ghét".
Khi Munger được hỏi rằng liệu tình hình có kết thúc tồi tệ không, ông đáp: "Tôi nghĩ mọi chuyện chắc chắn sẽ kết thúc tồi tệ, nhưng tôi không biết khi nào".
Chỉ số S&P 500 lao dốc gần 50% khi “bong bóng” dot-com vỡ tung vào tháng 3/2000 và cắm đầu gần 57% từ 2007 đến 2009 sau khi thị trường nhà đất đổ sụp.
Nhưng nhà đầu tư không nên hoảng loạn và bán sạch cổ phiếu. Thay vào đó, hãy ở lại thị trường và đa dạng hóa danh mục. Giám đốc Benz khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ danh mục đầu tư gồm chứng chỉ quỹ tương hỗ hoặc ETF và các loại cổ phiếu sẽ biến động khác nhau tùy theo tình hình thị trường.
"Nguyên tắc cơ bản như sau: 5 đến 10% danh mục là tỷ trọng phù hợp cho các cổ phiếu đơn lẻ. Phần còn lại nên được phân bổ cho những khoản đầu tư được đa dạng hóa hơn".
Một tín đồ lớn khác về cách tiếp cận đa dạng hóa trong đầu tư thông qua quỹ chỉ số là Warren Buffett. Rất nhiều lần, Chủ tịch Berkshire Hathaway kêu gọi nhà đầu nhỏ lẻ "hãy mua một mặt cắt của nước Mỹ" dưới dạng quỹ mô phỏng chỉ số S&P 500.
Munger có thể đồng ý với lời khuyên này khi nói về những nhà đầu tư bình thường. Nhưng khi nói về những dân chuyên, ông thấy việc phân tán khoản đầu tư là việc vô nghĩa:
"Rất nhiều người nghĩ sở hữu 100 cổ phiếu đồng nghĩa với việc họ đầu tư theo cách chuyên nghiệp hơn những người có 4 hay 5 cổ phiếu. Tôi thì coi đây là sự điên rồ, hoàn toàn điên rồ".
Munger nói tiếp: "Tôi thấy thoải mái hơn nhiều khi sở hữu hai hay ba cổ phiếu mà tôi có chút hiểu biết, ở trong lĩnh vực mà tôi nghĩ mình có lợi thế".
Vậy liệu bạn có nên chia tay với quỹ chỉ số để tất tay vào một vài cổ phiếu? Có lẽ là không, trừ khi bạn đã xây dựng được cơ đồ hàng tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Giám đốc Benz nói: "Nếu bạn là Warren Buffett hay Charlie Munger, chiến lược đầu tư tập trung là hợp lý. Nhưng nếu bạn chỉ đang học về thị trường thì không".
Trên thực tế, nghiên cứu của S&P Dow Jones Indices chỉ ra đầu tư thụ động là con đường trực tiếp dẫn đến thành công đối với nhiều người.