Russell Cummer từng là một chuyên viên giao dịch tín dụng tại ngân hàng Goldman Sachs ở Tokyo. Tuy nhiên, điều trớ trêu là bản thân anh cũng không thể được cấp thẻ tín dụng.
Đó là một câu chuyện phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi không có lịch sử tín dụng. Để giải quyết vấn đề này, Cummer đã có một quyết định táo bạo: Anh thành lập một doanh nghiệp để cung cấp cho mọi người giải pháp thay thế cho thẻ tín dụng.
=> Xem thêm: AirAsia ‘bẻ lái’ sang dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn với tham vọng trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á
Paidy Inc. – Công ty “mua trước, trả sau” của Nhật Bản
Paidy Inc. hiện là một trong số ít các công ty khởi nghiệp chưa niêm yết trong nước với mức định giá ít nhất 1,2 tỷ USD. Đây là một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực "mua trước, trả sau" của Nhật Bản, một mô hình kinh doanh đang được ưa chuộng trên toàn cầu.
"Tôi đã rất khó khăn để được cấp chiếc thẻ tín dụng đầu tiên của mình ở Nhật Bản", Cummer, 41 tuổi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Chính vì thế, anh quyết định cung cấp "một dạng tương đương của thẻ tín dụng cho những người không sử dụng thẻ tín dụng".
Các chương trình theo mô hình mua trước, trả sau (BNPL), hay còn gọi là hoãn thanh toán khi mua hàng, đã trở nên được ưa chuộng khi ngành thương mại điện tử bùng nổ trong thời kỳ đại dịch. Các kế hoạch trả góp không lãi suất của Paidy thu hút nhóm khách hàng trẻ tuổi vốn rất dè chừng với mức lãi suất mà thẻ tín dụng áp dụng.
Vào tháng 8, tập đoàn Square của tỷ phú Twitter Jack Dorsey đã đồng ý mua lại môt công ty sử dụng mô hình BNPL của Australia là Afterpay với giá 29 tỷ USD.
Apple cũng đang tìm cách phát triển mô hình này bằng việc tích hợp chương trình Apple Pay với một công ty Thụy Điển là Klarna Bank AB. Klarna Bank AB hiện là công ty khởi nghiệp giá trị nhất châu Âu và được định giá 45,6 tỷ USD sau đợt gây quỹ hồi tháng 6.
Tuy nhiên, mô hình này cũng đang được các cơ quan quản lý ở Anh giám sát chặt chẽ. Các công ty sử dụng BNPL bị chỉ trích vì mô hình này khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả.
Các dịch vụ Paidy cung cấp bao gồm tùy chọn chia thanh toán thành nhiều đợt không tính lãi suất, tương tự như Afterpay hoặc Klarna. Một điểm khác biệt theo Cummer là khách hàng ở Nhật Bản thường có xu hướng sử dụng tiền mặt ngay cả khi mua sắm trực tuyến và chỉ thanh toán cho shipper sau khi nhận được hàng.
Cummer cho biết: "Người dân vẫn ưu tiên sử dụng tiền mặt. Các công ty thương mại lớn nhất ở Nhật Bản hiểu rằng họ cần phải giải quyết vấn đề này". Paidy đóng vai trò trung gian giữa người mua hàng và người bán bằng cách thanh toán trước cho người bán và nhận tiền từ khách hàng sau đó.
Dịch vụ của Paidy có thể được sử dụng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến bao gồm Amazon tiếng Nhật. Phí giao dịch từ người bán chiếm phần lớn doanh thu của công ty, kế đến là phí thanh toán. Phí trễ hạn chiếm chưa đến 5% doanh thu.
=> Xem thêm: Thanh niên 27 tuổi trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới vì một lý do không tưởng
Từng 2 lần phải vay tiền bố để trả lương nhân viên
Cummer cho biết anh đã trải qua "một số thời kỳ rất đen tối" sau khi rời Goldman và tự mình khởi nghiệp. Doanh nhân 41 tuổi thành lập Exchange Corp vào năm 2008 với tư cách là đơn vị cho vay ngang hàng, nhưng công việc kinh doanh không thành công.
Anh và các đồng nghiệp cũ ở ngân hàng Goldman đã phải bỏ thêm tiền túi để duy trì hoạt động kinh doanh. "Tôi đã vay tiền của bố tôi hai lần để trả lương cho nhân viên", anh nhớ lại.
Cummer bắt đầu kinh doanh mô hình BNPL vào năm 2014 trước khi đổi tên công ty thành Paidy vào năm 2018. Startup fintech đã huy động được 120 triệu USD trong vòng tài trợ gần đây nhất vào tháng 3. Theo công ty nghiên cứu CB Insights, Paidy được định giá 1,2 tỷ USD và là một trong 6 công ty kỳ lân (được định giá trên 1 tỷ USD) tại Nhật Bản.
Khi được hỏi về khả năng IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), Cummer cho biết công ty đang tìm hiểu cấu trúc vốn để có thể phát triển kinh doanh. Theo một báo cáo tháng 3 của CB Insights, các giao dịch BNPL hàng năm trên toàn thế giới có thể tăng gấp 10 đến 15 lần vào năm 2025 và vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Cummer cho biết đã học được rất nhiều điều về rủi ro trong những ngày làm việc tại Goldman. Anh ví thành công ở một công ty khởi nghiệp với việc kiên trì theo đuổi một ván bài poker lâu dài.