Biến thể Omicron giáng đòn mạnh vào kinh tế thế giới ngay khi đại dịch sắp sửa bước vào năm thứ 3. Biến chủng mới của Covid-19 vừa cản trở tăng trưởng và vừa thúc đẩy lạm phát.
Biến thể Omicron giáng đòn mạnh vào kinh tế thế giới ngay khi đại dịch sắp sửa bước vào năm thứ 3. Biến chủng mới của Covid-19 vừa cản trở tăng trưởng và vừa thúc đẩy lạm phát.
Theo dự báo mới nhất của Bloomberg, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 0,7% trong ba tháng cuối năm, bằng một nửa tốc độ của quý trước và dưới mức 1% ngay trước khi khủng hoảng ập đến.
Khu vực đồng euro đang trên đường mở rộng 0,8% trong quý 4/2021 so với ba tháng trước, thấp hơn 0,3 điểm % so với ước tính tháng 11. Ngược lại, Mỹ mạnh lên đôi chút và đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng 1,2%.
Dự đoán tăng/giảm GDP của các nền kinh tế phát triển được thể hiện dưới dạng so sánh với quý trước, các nền kinh tế mới nổi là so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 3/2021, giá trị của Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc là GDP thực tế; còn Canada, Ấn Độ, Brazil và Nga là ước tính hiện tại của Bloomberg.
Trong số các thị trường mới nổi, nơi dữ liệu được chuẩn hóa theo năm, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm tốc còn 4,5% trong quý này. Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cũng suy yếu.
Tim Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics nhận định: "Khi 2021 đến hồi kết, cuộc phục hồi kinh tế có nguy cơ trật bánh vì chủng Omicron. Châu Âu có vẻ đặc biệt dễ bị tổn thương: Các cuộc phục hồi của Đức, Pháp và Italy đang ngày càng chịu áp lực bởi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt".
Bloomberg kết hợp hàng trăm điểm dữ liệu từ các nền kinh tế với mục đích cung cấp thông tin theo thời gian thực về tỷ lệ tăng trưởng và lạm phát của các nền kinh tế lớn trước khi có dữ liệu chính thức.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng trưởng 4,5% so với quý 4/2020, giảm từ mức 4,9% của quý 3/2021. Tệ hơn, mọi nền kinh tế mới nổi đều chậm lại trong tháng vừa qua, dẫn đầu là Brazil.
Xét theo cơ sở hàng tháng, trong tháng 12 khu vực đồng euro và Nhật Bản đều suy yếu so với tháng 11, còn Mỹ, Canada và Anh thì mạnh lên. Một điểm sáng là sau khi tăng trưởng chậm lại còn 2,1% trong quý 3/2021, kinh tế Mỹ đang tăng tốc lên 4,9% so với quý trước.
Lạm phát gia tăng vẫn tiếp tục phủ bóng lên nền kinh tế thế giới.
Thước đo lạm phát ưa thích của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo là sẽ tăng 5% trong quý này, cao hơn 0,7 điểm % so với ba tháng trước đó. Giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro và Anh đều tăng 4,4%, còn tại Trung Quốc tăng 2,1%.
Các ngân hàng trung ương ngày càng quyết liệt để đương đầu với áp lực giá cả.
Tuần trước, ngân hàng trung ương Anh lần đầu tiên nâng lãi suất trong vòng ba năm. Fed đã mở đường để tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 sau khi kết thúc chương trình mua tài sản vào tháng 3.
Bloomberg Economics dự đoán Brazil, Mexico, Na Uy, New Zealand và Nam Phi sẽ nằm trong số các ngân hàng trung ương tăng chi phí vay trong quý đầu tiên của năm 2022.
Do đại dịch Covid-19 vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng, các nhà kinh tế của Bloomberg ước tính quy mô kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro vẫn sẽ nhỏ hơn so với trường hợp không có Covid-19. Còn Trung Quốc thì đã lấy lại được xu hướng trước khi vi rút xuất hiện.