Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, lạm phát đã trở thành nỗi lo kinh tế lớn nhất của giới triệu phú Mỹ, theo một cuộc khảo sát của hãng tin CNBC.
Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, lạm phát đã trở thành nỗi lo kinh tế lớn nhất của giới triệu phú Mỹ, theo một cuộc khảo sát của hãng tin CNBC.
Các nhà đầu tư sở hữu tài sản từ 1 triệu USD trở lên tham gia cuộc khảo sát cho rằng rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mỹ hiện nay là lạm phát, bên cạnh sự điều hành không hiệu quả của Chính phủ.
Từ khi CNBC thực hiện cuộc khảo sát này, đây là lần đầu tiên lạm phát trở thành mối lo số 1 của giới triệu phú ở Mỹ. Điều này cho thấy ngay cả những người Mỹ giàu nhất cũng đang lo lắng về vòng xoáy đi lên của giá cả.
“Đây là một sự dịch chuyển lớn”, George Walper, Chủ tịch Spectrem Group phát biểu. “Và mối lo của họ đã tăng lên trong vòng 2 tháng qua”.
Số liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này trong tháng 11 vừa qua tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 9,6%, mức tăng mạnh nhất kể từ 2010.
Cuộc khảo sát cho thấy mối lo lạm phát đang đi lên trên bậc thang thu nhập, theo đó tác động tới những người vốn dĩ có khả năng hấp thụ tốt nhất mức giá cả cao hơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến từng nhóm thu nhập cụ thể là khác nhau.
Đối với hầu hết người Mỹ, mối lo lạm phát nằm ở sự gia tăng chi phí thực phẩm, xăng dầu, nhà đất và các chi phí sinh hoạt khác. Trong khi đó, đối với người giàu và khá giả, lạm phát đặt ra mối lo lãi suất tăng, đẩy cao chi phí vay vốn và có thể gây sức ép đối với giá trị tài sản.
Theo cuộc khảo sát, các triệu phú xem lạm phát là mối đe doạ lớn thứ nhì đối với tài sản cá nhân của họ, ngay sau sự mất hiệu quả điều hành của Chính phủ.
“Đối với hầu hết người Mỹ, mối lo lạm phát hiện nay nằm ở sự leo thang của chi phí sinh hoạt”, Walper phát biểu. “Đối với người giàu, mối lo lạm phát nằm ở sự gia tăng của chi phí vay vốn”.
Giới triệu phú Mỹ nhìn chung tin tưởng vào khả năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiểm soát lạm phát mà không để giá cả hay lãi suất vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo cuộc khảo sát, 59% số triệu phú “tin tưởng” hoặc “phần nào tin tưởng” về khả năng của Fed trong việc kiểm soát sự leo thang của lạm phát.
Gần 1/3 số nhà đầu tư triệu phú được hỏi cho biết đã điều chỉnh danh mục đầu tư, hoặc có kế hoạch như vậy, do lạm phát. 3/4 dự báo lãi suất sẽ tăng trong năm 2022, nhưng chỉ 7% nói lãi suất sẽ “cao hơn nhiều”.
Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn trong quan điểm về lạm phát giữa các triệu phú ở độ tuổi khác nhau.
Các triệu phú thuộc thế hệ “baby boomer” (sinh trong khoảng thời gian từ 1946-1964), những người đã từng sống trong thời kỳ siêu lạm phát của thập niên 1970, có khuynh hướng cao gấp 4 lần xem lạm phát là nguy cơ đối với tài sản của họ, nếu so với các triệu phú thuộc thế hệ millenial (sinh từ thập niên 1980 đến đầu những năm 2000).
Họ cũng ít có khuynh hướng xem lạm phát hiện nay là “tạm thời”, với chỉ 27% đưa ra nhận định như vậy, so với 45% ở các triệu phú millenial.
Walper nói các triệu phú thuộc thế hệ millenial, những người gây dựng hoặc thừa hưởng gia sản trong một thời gian lãi suất thấp kéo dài, không nhạy cảm với tổn thất thực sự mà sự gia tăng của giá cả gây ra.
“Chỉ tới khi nào họ làm hồ sơ xin vay thế chấp nhà với lãi suất 12%, thì họ mới thay đổi quan điểm”, Walper nói.