Lạm phát tăng, thiếu hụt năng lượng, giá thực phẩm bất ổn, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn... sẽ là những gam màu xám trên bức tranh kinh tế thế giới 2022.
Lạm phát tăng, thiếu hụt năng lượng, giá thực phẩm bất ổn, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn... sẽ là những gam màu xám trên bức tranh kinh tế thế giới 2022.
Các nhà kinh tế khó có thể dự báo chính xác những gì sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn. Bên cạnh việc chỉ ra các rủi ro về lạm phát leo thang, khủng hoảng nợ, thiếu hụt năng lượng..., các chuyên gia cũng có cái nhìn khá lạc quan về bức tranh kinh tế thế giới trong năm tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế có kịch bản cơ sở là một đợt phục hồi mạnh, giá cả hạ nhiệt và giảm dần các chính sách tiền tệ khẩn cấp. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của COVID-19 và những ảnh hưởng khủng khiếp của nó thì mọi dự đoán đều có thể không chính xác.
Nguy cơ mới đối với nền kinh tế thế giới có thể là biến chủng Omicron, lạm phát kéo dài, các gói hỗ trợ dần bị siết chặt, cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc, giá thực phẩm leo thang, chuỗi cung ứng đứt gãy chưa được hàn gắn... Song, vẫn có những tín hiệu lạc quan nếu Chính phủ các nước quyết định giữ nguyên các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, kích cầu tiêu dùng.
Hiện còn quá sớm để biết chắc ảnh hưởng từ biến chủng Omicron sẽ như thế nào. Omicron đang lây nhiễm mạnh nhưng lại ít độc lực hơn so với các biến chủng trước đó. Thế giới được dự đoán sẽ có thể tiến về gần hơn với trạng thái bình thường trước đại dịch – đồng nghĩa với việc người dân chi tiêu nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng sẽ đi lên. Việc tái cân bằng chi tiêu có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu lên 5,1% từ dự báo cơ bản 4,7% của Bloomberg Economics.
Tuy nhiên, tình hình có thể không hoàn toàn khả quan như vậy. Một biến chủng dễ lây nhiễm hơn, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện và đẩy lùi các nền kinh tế. Chỉ cần 3 tháng với những lệnh phong tỏa cứng rắn nhất 2021 có thể khiến tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm còn 4,2%.
Trong kịch bản này, lực cầu sẽ yếu hơn, các rắc rối trong chuỗi cung ứng kéo dài, công nhân tiếp tục ở ngoài thị trường lao động và logistics gặp khó khăn.
Đầu năm 2021, Mỹ dự báo kết thúc năm với lạm phát 2%. Song, trên thực tế, lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới đã tiến sát mức 7%. Năm 2022, rất khó dự đoán lạm phát bởi sự biến thiên khó lường của Omicron. Lương đã tăng nhanh ở Mỹ và có thể còn tăng hơn nữa. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến giá khí đốt có nguy cơ tăng mạnh. Biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều hình thái thời tiết bất ổn hơn và giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng.
Cũng không loại trừ khả năng xuất hiện một làn sóng Covid-19 mới làm ảnh hưởng đến đi lại, kéo tụt giá dầu. Dù vậy, vẫn có nguy cơ lạm phát khiến các ngân hàng trung ương phải "đau đầu" khi phải điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, áp lực ngày càng tăng từ cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande, tái triển khai phong tỏa vì COVID-19 và thiếu năng lượng đã kéo tăng trưởng kinh tế xuống còn 0,8% - thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6% thường thấy của nền kinh tế khổng lồ này.
"Cơn khát" năng lượng của Trung Quốc có thể hạ nhiệt trong năm 2022, nhưng các lệnh phong tỏa vì biến chủng Omicron và lực cầu yếu có thể sẽ khiến nền kinh tế số 2 thế giới gặp nhiều khó khăn trong khi khả năng tiếp cận vốn bị hạn chế, lĩnh vực xây dựng bất động sản - lực đẩy của 25% nền kinh tế Trung Quốc - lại đang đi xuống.
Thêm vào đó, ảnh hưởng kép từ COVID-19 và thời tiết xấu đã đẩy giá thực phẩm thế giới gần đỉnh lịch sử và có thể tăng tiếp trong năm 2022. Cú sốc giá thực phẩm năm 2011 từng dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình, đặc biệt là ở Trung Đông. Nhiều quốc gia trong khu vực vẫn nhạy cảm với nguy cơ này, từ đó gây bất ổn diện rộng.
Ngoài ra, một cuộc chiến giữa các cường quốc là kịch bản tồi tệ nhất. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có thể áp biện pháp trừng phạt lẫn nhau, dẫn đến đóng băng quan hệ. Sự sụp đổ sản xuất bán dẫn ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu, từ điện thoại thông minh đến xe hơi.
Bên cạnh những rùi ro tiềm ẩn, nền kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, ví dụ như chính sách ngân sách của Mỹ có thể mở rộng hơn so với hiện tại – giữ nền kinh tế tránh xa khỏi bờ vực tài chính và thúc đẩy tăng trưởng.
Trên thế giới, các hộ gia đình vẫn đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD tiết kiệm vượt mức, nhờ các gói kích thích thời đại dịch và giai đoạn phong tỏa. Nếu số tiền đó được chi tiêu nhanh hơn dự báo, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy.
Tại Trung Quốc, đầu tư vào năng lượng xanh và nhà ở giá hợp lý, đã được nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, có thể thúc đẩy đầu tư nói chung.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) của châu Á – bao trùm 2,3 tỷ người và 30% GDP toàn cầu – có thể tăng cường xuất khẩu.
Nhìn lại năm 2020, nhiều nền kinh tế tệ hơn nhiều so với dự báo từ giới chuyên gia nhưng điều này không còn đúng trong năm 2021, khi đà phục hồi tích cực bất ngờ. Đó cũng là lý do năm 2022 được cho là sẽ có nhiều gam màu tươi sáng.