Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 10/9, bao gồm: VHM , AST, VTP, MSH.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 10/9, bao gồm: VHM , AST, VTP, MSH.
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes với giá mục tiêu 132.500 đồng/CP.
Năng lực và hiệu quả hoạt động của VHM được đánh giá cao với chuỗi giá trị khép kín các sản phẩm bất động sản thương hiệu Vinhomes đi kèm chất lượng vượt trội, dịch vụ tiện ích đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng các tiêu chuẩn và khẳng định đẳng cấp. VHM là đơn vị phát triển bất động sản dẫn đầu tại Việt Nam và được hưởng lợi từ hệ sinh thái của VinGroup - một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất châu Á.
Kết quả kinh doanh quý II/2021 duy trì đà tăng mạnh mẽ khi hầu hết các dự án đang mở bán chủ yếu tập trung tại miền Bắc. Trong quý II/2021, VHM ghi nhận 28.725 tỷ đồng doanh thu và 13.251 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tương ứng 75% và 123% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu bán sỉ 2 đại dự án Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City với tổng giá trị 12,8 nghìn tỷ đồng cùng với việc bàn giao 11.400 căn hộ hầu hết thuộc 3 dự án lớn (Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park).
=> Xem thêm: Năm 2021 nên mua cổ phiếu nào tiềm năng năng để đầu tư dài hạn?
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 41.712 tỷ đồng, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 86% trong cơ cấu doanh thu với biên lợi nhuận gộp đạt 54%, cải thiện khá so với mức 42% của cùng kỳ 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 15.781 tỷ đồng, hoàn thành 45% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tổng số lượng căn bán được trong 6 tháng đầu năm đạt 15.800 căn, giá trị hợp đồng bán hàng đã ký đạt 27,7 nghìn tỷ đồng, giá trị đặt chỗ đạt 49,4 nghìn tỷ đồng.
VHM đẩy mạnh đầu tư phát triển và kinh doanh các dự án lớn. Siêu dự án Vinhomes Dream City đang được triển khai tích cực với quy mô 314 ha và dự kiến sẽ mở bán trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, hai siêu dự án Hạ Long Xanh tại TP Hạ Long, Quảng Ninh và Vinhomes Long Beach Cần Giờ cũng được triển khai các thủ tục cần thiết và dự kiến ra mắt dự án vào năm 2022.
Đối với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ hồ sơ để có thể sớm đạt chấp thuận đầu tư trong cuối năm và thực hiện đầu tư kinh doanh từ 2022 tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Tập trung phát triển các nền tảng kinh doanh online, kỹ thuật số trong thời gian dịch Covid19 như O2O, Vinhomes Sales App với số lượng users đạt 19.800 và 8.610 đơn đặt hàng hoàn thành.
Chúng tôi cho rằng dịch Covid-19 sẽ không tác động lớn hoạt động của VHM nhờ vị thế là đơn vị đầu ngành và có nguồn lực phát triển dự án tốt.
=> Xem thêm: Kinh tế kế hoạch hóa tập trung là gì? Bản chất và vai trò
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu AST của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco vừa hình thành phiên bứt phá từ ngưỡng đáy 48.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.
Đồng thời, đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20, MA50 và dải mây Ichimoku; báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.
Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 51.8, chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 60.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 48.5.
Công ty chứng khoán VNDirect - VND
Trong Q2/21, doanh thu Tổng CTCP Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP) tăng 19,7% so với cùng kỳ (svck) nhờ (1) doanh thu thương mại tăng 23,9% svck, và (2) doanh thu chuyển phát tăng 12,4% svck nhờ ước tính tăng trưởng sản lượng 13,0%. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp Q2/21 chỉ tăng 1,1% svck do biên lợi nhuận gộp mảng thương mại bị thu hẹp. Thay đổi trong chính sách bán hàng của Viettel Telecom khiến lợi nhuận gộp thương mại giảm 66,8% svck trong khi lợi nhuận gộp chuyển phát tăng 17,7% svck nhờ tăng lợi thế quy mô kinh tế. Do chi phí QLDN Q2/21 giảm 10,8% svck nhờ cải tiến công nghệ, lợi nhuận ròng Q2/21 tăng 3,1% svck đạt 106 tỷ. Lợi nhuận ròng 6T21 tăng 7,3% so với cùng kỳ, hoàn thành 48,5% dự phóng cả năm, phù hợp với dự phóng của VND.
Do quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt kể từ Q3/21, nhiều doanh nghiệp giao hàng phải giảm quy mô, như Giao Hàng Tiết Kiệm, Grab, Be hay các ứng dụng xe công nghệ khác. Trong thời điểm khó khăn, VTP đã tận dụng cơ hội này để triển khai mô hình bưu cục số mới kể từ T2/21, giúp tăng sự thuận lợi cho khách hàng trong khi giúp VTP tiết kiệm chi phí. VTP cũng đẩy mạnh Voso.vn để nắm bắt nhu cầu đi chợ online trong thời điểm giãn cách. VND kỳ vọng thị trường chuyển phát sẽ tăng trưởng trung bình 11,4% giai đoạn 2021-23 nhờ tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử. Tổng hợp lại, doanh thu mảng chuyển phát của VTP được dự báo tăng trưởng 12,5%/22,9%/10,4% svck giai đoạn 2021-23.
VND tăng giá mục tiêu theo phương pháp DCF thêm 11,9% trên cơ sở tăng EPS dự phóng 2022-23 thêm 16,1%/13,4% do VND tin rằng các đối thủ của VTP đang gặp khó khăn và VTP có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần dựa trên hệ sinh thái toàn diện từ nền tảng TMĐT đến hạ tầng chuyển phát trên toàn quốc. Rủi ro giảm giá gồm (1) dịch bệnh hay khủng hoảng dẫn đến đóng cửa biên giới, làm giảm sản lượng chuyển phát quốc tế, (2) giá bán trung bình thấp hơn dự kiến do cạnh tranh khốc liệt. Tiềm năng tăng giá gồm (1) sản lượng và giá bán cao hơn dự kiến và (2) những tiến triển mới trong việc chuyển sàn niêm yết sang HSX.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC
CTCP May Sông Hồng (HOSE - Mã: MSH) ghi nhận doanh thu trong Q2/2021 đạt 1.217 tỷ đồng, tăng 25% YoY, LNTT đạt 148 tỷ, tăng 109% YoY. Lũy kế 6T2021, doanh thu đạt 2.153 tỷ đồng, tăng 13% YoY, LNTT đạt 264 tỷ, tăng 76% YoY. Như vậy, MSH đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận.
Doanh thu Q2/2020 tăng trưởng khi tình hình COVID-19 tại các nước MSH xuất khẩu đã hồi phục trở lại từ mức nền thấp 2020, ngoài ra, tình hình khủng hoảng chính trị tại Myanmar và làn sóng dịch bệnh tại Ấn Độ, Bangladesh cũng khiến nhiều hãng thời trang trên thế giới dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam. Biên lợi nhuận Q2 cải thiện lên mức 19,8% so với 16,2% cùng kỳ do hiệu suất lao động cao hơn và chi phí nguyên vật liệu tăng chậm hơn giá bán. Lợi nhuận MSH tăng mạnh còn do khoản hoàn nhập dự phòng 10 tỷ cho các khoản phải thu.
FSC đánh giá cao các công ty xuất khẩu dệt may khi các thị trường Mỹ, EU đang hồi phục mạnh tiêu dùng sau khi COVID được kiểm soát. Cụ thể 6T2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam ước tính đạt 19,18 tỷ USD tăng 21% YoY, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 7,6 tỷ USD, tăng 26% YoY. MSH sẽ hưởng lợi từ các khách hàng lớn như Columbia, Walmart và G-III. Ngoài ra, các nhà máy của MSH đặt tại Nam Định, nơi ít bị ảnh hưởng trong đợt COVID lần này. Tuy nhiên, FSC cũng lưu ý rủi ro đối với tình trạng tắc nghẽn hàng tại cảng và chi phí logistics tăng mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến MSH trong ngắn hạn.
Trong 2021-2022, MSH sẽ bắt đầu vận hành Nhà máy ở Nghĩa Phong, dự kiến đi vào hoạt động từ Q4/2021 ước tính sẽ nâng tổng công suất của MSH thêm 15% trong 2021 và 20% nữa trong 2022. Nhà máy mới sẽ hướng trọng tâm vào các đơn hàng FOB với tiêu chuẩn và biên lợi nhuận cao hơn loại hình chính là CMT hiện tại, đây sẽ là động lực mới cho MSH.
Ở mức giá đóng cửa hiện tại, MSH đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 12,0x (tương ứng EPS TTM là 6.518 VNĐ). Mức Stock Rating của MSH ở mức 91 điểm, điểm tích cực là Điểm cơ bản của MSH đã hồi phục trở lại mức TÍCH CỰC. Đồ thị giá của MSH đạt mức cao nhất 52 tuần và thoát khỏi giai đoạn tích lũy cho thấy xu hướng TĂNG ngắn và trung hạn sẽ tiếp tục mở rộng về các mức cao hơn. Tuy nhiên, đồ thị giá đã vượt xa mức mục tiêu ngắn hạn 69.01 cho nên các NĐT ngắn hạn chỉ nên xem xét NẮM GIỮ. Đồng thời, các NĐT trung hạn có thể duy trì vị thế MUA và NẮM GIỮ đối với cổ phiếu MSH với kháng cự kế tiếp 86.00.