Nhiều nhà đầu tư đang lo lắng rằng khi Evergrande vỡ nợ, thị trường bất động sản và hàng hóa công nghiệp sẽ chao đảo theo, đặc biệt ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, nhìn từ lịch sử, lo ngại này chưa hẳn đã đúng.
Nhiều nhà đầu tư đang lo lắng rằng khi Evergrande vỡ nợ, thị trường bất động sản và hàng hóa công nghiệp sẽ chao đảo theo, đặc biệt ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, nhìn từ lịch sử, lo ngại này chưa hẳn đã đúng.
Giá quặng sắt giao sau tại Đại Liên (Trung Quốc) đã sụt một nửa trong hai tháng qua và đà giảm còn trở nên tồi tệ hơn vào ngày 20/9 sau khi chính phủ công bố một số biện pháp chống ô nhiễm trong mùa đông đối với các thành phố sản xuất thép ở phía bắc.
Hơn nữa, góp phần khiến giá quặng sắt giảm sâu còn có Evergrande Group, ông lớn bất động sản đang có nguy cơ vỡ nợ và có thể làm tái hiện "khoảnh khắc Lehman" của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo nhà phân tích Tom Price của ngân hàng đầu tư Liberum, Trung Quốc hiện tiêu thụ khoảng một nửa lượng thép trên toàn cầu, và riêng lĩnh vực bất động sản của nước này đã chiếm 1/5 (khoảng 20%) nhu cầu chung.
Nếu Evergrande sụp đổ, tác động sẽ rất khủng khiếp. Nhưng khủng khiếp đến mức nào? Để đánh giá được ảnh hưởng tiềm tàng của vụ việc, hãy nhìn lại các cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp thép trong quá khứ.
Nhu cầu thép của nước Mỹ từng gia tăng đột biến trong năm 2006 khi thị trường bất động sản trong giai đoạn chuyển mình. Năm 2008, Lehman Brothers phá sản, góp phần kích hoạt cuộc Đại Suy thoái (2007 - 2009).
So với năm 2006, nhu cầu thép của Mỹ bỗng tụt mạnh từ đỉnh cao xuống đáy vực. Đến năm 2009, nhu cầu đã giảm hơn một nửa. Về sau, nhu cầu mới dần tăng tốc trở lại và duy trì ổn định ở mức hiện nay. Song, con số năm nay vẫn thấp hơn khoảng 15% so với mức của năm 2006.
Trong những đợt suy thoái khác, mức sụt giảm trầm lắng hơn. Năm 1991, “bong bóng” nhà đất tại Nhật Bản vỡ toang. Dù vậy, trong giai đoạn ba năm 1991 - 1994, sản lượng thép của Nhật Bản chỉ hụt khoảng 20%.
Đến khi châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính vào năm 1997 và thế giới đối mặt với Đại Suy thoái, sản lượng thép của Nhật Bản mới quay đầu giảm trở lại. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng thép của đất nước mặt trời mọc thấp chỉ hơn 30% so với mức đỉnh năm 1991.
Ở diễn biến khác, Hàn Quốc dường chưa bao giờ ngừng luyện thép kể từ năm 1997, khi mà một năm sau, sản lượng của nước này mất khoảng 33% nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi cũng như bước vào thời kỳ bùng nổ cho đến nay.
Mặt khác, có một ví dụ điển hình nữa cần phải xem xét: Liên Xô. Sau khi chính quyền Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, sản lượng thép của nước này giảm mạnh đến 80% so với năm 1988. Trong những thập kỷ gần đây, sản lượng dần phục hồi và đạt khoảng 40% mức đỉnh trước đó.
Một bài học đáng chú ý từ những ví dụ trên là nhu cầu thép hiếm khi nào hồi phục hoàn toàn sau một cuộc khủng hoảng tài chính. Trên thực tế, tiêu thụ thép thường có xu hướng giảm khi một nền kinh tế chuyển từ mô hình phát triển theo hướng công nghiệp, sử dụng nhiều tài nguyên sang một nền kinh tế tập trung vào ngành dịch vụ.
Điều đó càng trở nên trầm trọng hơn khi nhu cầu thép được thúc đẩy từ "cơn sốt" bất động sản và cơ sở hạ tầng tắt ngóm khi nguồn tín dụng mà chính phủ bơm vào nền kinh tế hết tác dụng.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đang phải đối mặt với loại khủng hoảng nào? Có thể ngành thép Trung Quốc sẽ không đi theo quỹ đạo của Hàn Quốc, vì nhu cầu thép của đất nước tỷ dân vốn đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc phục hồi sau năm 1997 và bây giờ không có nền kinh tế nào mạnh như Trung Quốc khi đó để "giải cứu thế giới".
Ở chiều hướng khác, nhà đầu tư cũng không nên loại bỏ khả năng là kịch bản của Liên Xô sẽ tái xuất ở Trung Quốc, vì vai trò của đầu tư công trong hai nền kinh tế này khá giống nhau. Dù vậy, Trung Quốc ngày này có mối liên hệ mật thiết cũng như được nền kinh tế toàn cầu hỗ trợ nhiều hơn so với một Liên Xô tách biệt ở thời điểm những năm 1991.
Theo một cách diễn giải nào đó, chúng ta đã từng thấy câu chuyện này xảy ra trong quá khứ. Bản thân Trung Quốc đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhỏ sau năm 2013, khi mà chính sách kích thích hậu Đại Suy thoái kết thúc. Trong hai năm sau mốc 2013, mức tiêu thụ thép tại nền kinh tế Trung Quốc đã giảm khoảng 10%.
Để củng cố nền kinh tế trong đại dịch Covid-19, Bắc Kinh đã tung ra nhiều biện pháp kích thích, trong đó có việc bơm tiền vào các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng. Nhìn từ bài học cũ của năm 2013, có thể thấy cơn sốt xây dựng từ nguồn đầu tư công hiện tại là một trong những yếu tố dẫn đến vấn đề mà Evergrande phải đối mặt.
Mức tiêu thụ thép năm ngoái rõ ràng cao hơn 30% so với kỷ lục trước đó. Hơn nữa, bất chấp những chính sách kiềm kẹp sản lượng từ chính phủ, tiêu thụ thép tính đến tháng 7 năm nay vẫn cao hơn 10%.
Đó là lý do chính đáng để tin rằng thị trường đang phản ứng thái quá khi một công ty bất động sản của Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ ngay tại thời điểm mà chu kỳ xây dựng cơ sở hạ tầng chững lại và nguồn cung quặng sắt - vốn bị khan hiếm trong đại dịch, đã phục hồi.
Một điểm đáng lưu tâm là giá thép xây dựng hiện vẫn cao tương đương mức của hai tháng trước - vốn là thời điểm mà giá quặng sắt bắt đầu lao dốc. Điều này chứng tỏ rằng nhu cầu thép vẫn còn khá ổn định trước khi cơn hoảng loạn liên quan tới Evergrande xuất hiện.
Ngành thép của Trung Quốc nhất định sẽ suy yếu, như ở mọi quốc gia khác. Về mặt chính sách, Bắc Kinh đã xác định rằng tiêu thụ thép và phát thải nhà kính sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Sau đó, nước này sẽ chuyển sang sử dụng thép phế liệu thay vì nhập khẩu than và quặng sắt để luyện thép mới.
Để biến mục tiêu trên thành hiện thực, Bắc Kinh cần phải hành động nhưng các chính sách của chính phủ thường bị ràng buộc và cản trở bởi yếu tố chính trị, cũng như do thực tế là mô hình kinh tế trong nước vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư công và cơ sở hạ tầng. Do đó, phải mất thêm một thời gian nữa thì ngành thép nội địa mới có thể suy yếu như dự đoán.