Trong 8 tháng đầu năm, bất chất đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Trong 8 tháng đầu năm, bất chất đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Tổng cục Thống kê cho biết, bước vào năm 2021, hoạt động xuất khẩu đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức gây ra bởi dịch Covid-19. Đặc biệt trong tháng 7 và tháng 8, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh ở nhiều địa phương đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản Việt Nam (bao gồm 8 mặt hàng chủ yếu là hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) vẫn tăng trưởng khá, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản đạt 12,4 tỷ USD, tăng 14,2%, trong đó có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là: Rau quả đạt 2,5 tỷ USD, tăng 11,8%; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,1% (lượng tăng 19,2%); cà phê đạt 2 tỷ USD, tăng 1,1% (lượng giảm 6,9% nhưng do giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu tăng); cao su đạt 1,9 tỷ USD, tăng 61,4% (lượng tăng 23,3%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 776 triệu USD, tăng 28,4% (lượng tăng 13,4%); hạt tiêu đạt 666 triệu USD, tăng 50,2% (mặc dù lượng giảm 0,8% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng do giá xuất khẩu tăng). Chỉ có 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm là: Gạo đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,8% (lượng giảm 14,8%); chè đạt 133 triệu USD, giảm 1,6% (lượng giảm 6%).
Nếu so sánh với mức tăng 13,9% của 6 tháng đầu năm thì mức tăng giá trị xuất khẩu của 8 tháng so với cùng kỳ tăng 0,3 điểm phần trăm. Trong đó, hạt tiêu tăng 9,7%; cà phê tăng 5,6%; hạt điều tăng 4%.
Ngoài ra, có một số mặt hàng giảm: Gạo giảm 2,1%; sắn và các sản phẩm của sắn giảm 2,1%; rau quả giảm 5,9%; chè giảm 6%; cao su giảm 18,5%. Điều đó cho thấy mặc dù làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đã tác động tới nhiều mặt của nền kinh tế nhưng hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn duy trì mức tăng khá.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam giữ được mức tăng là do vẫn duy trì được các thị trường xuất khẩu chủ yếu. Tính theo quốc gia, trong 8 tháng năm 2021, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu mặt hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam với 4,3 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 3,3 tỷ USD); tiếp theo Hoa Kỳ với 1,2 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 1,1 tỷ USD); Philippines đứng thứ 3 với 914 triệu USD (cùng kỳ năm 2020 là 928 triệu USD); Đức đạt 458 triệu USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 404 triệu USD); Hà Lan đạt 363 triệu USD (tương đương cùng kỳ năm 2020 là 362 triệu USD).
Tính theo châu lục thì Châu Á dẫn đầu với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD, (cùng kỳ năm 2020 đạt 6 tỷ USD); tiếp theo là thị trường Châu Âu đạt 2 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD); đứng thứ 3 là châu Mỹ đạt 1,4 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD); châu Phi đạt 544 triệu USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 524 triệu USD); Châu Úc đạt 165 triệu USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 158 triệu USD).
Riêng xuất khẩu sang ASEAN đạt gần 1,5 tỷ USD (thấp hơn cùng kỳ năm 2020 đạt 1,6 tỷ USD); sang thị trường EU (27 quốc gia, không bao gồm nước Anh) đạt 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 đạt 1,4 tỷ USD).
Tổng cục Thống kê cho biết, tuy vẫn đạt mức tăng trưởng khá trong 8 tháng năm 2021, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo từ nay đến cuối năm, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, vận chuyển, hàng hóa và tác động trực tiếp đến khu vực sản xuất cũng như chế biến nông sản xuất khẩu.
Thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tăng chi phí để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó là tình trạng khan hiếm container, cước vận chuyển hàng xuất khẩu không ngừng tăng lên. Chi phí vận chuyển đến các thị trường như Mỹ, châu Âu đã tăng từ 2 đến 3 lần trong năm qua và đang tiếp tục tăng mạnh.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, nhu cầu thị trường; hạn chế tối đa thiệt hại bởi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, qua đó bảo đảm nguồn cung nông sản ổn định.
Đồng thời, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải phải có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa cũng như cước phí lưu thông, kho bãi. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nguồn vốn sản xuất, kinh doanh.
Triển khai chính sách ưu đãi lãi vay vốn đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan), UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỷnh biên giới với Trung Quốc.