Với dự báo nhu cầu tiêu thụ khả quan, liệu mặt bằng giá thép trong nước vào những tháng cuối năm có được đà tiếp tục lên cao?
Với dự báo nhu cầu tiêu thụ khả quan, liệu mặt bằng giá thép trong nước vào những tháng cuối năm có được đà tiếp tục lên cao?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước.
So với tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt trên 1 tỷ USD.
Trước đó, trong tháng 7/2021, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,15 triệu tấn với trị giá 1,077 tỷ USD, tăng 12,4% về lượng và tăng 16,8% về trị giá so với tháng 6/2021.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2021, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá đạt gần 7,1 tỷ USD; tăng 43,4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại được các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: ASEAN đạt 2,7 triệu tấn (xấp xỉ mức xuất khẩu của cùng kỳ năm trước); Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, giảm 13,2%.
Tuy nhiên, tại hai thị trường EU và Hoa Kỳ xuất khẩu nhóm hàng này tăng vượt trội. Cụ thể, xuất khẩu sang EU đạt 1,43 triệu tấn, tăng 7,5 lần, sang Hoa Kỳ đạt 540 nghìn tấn, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Từ chiều ngược lại, trong tháng 8/2021, nhập khẩu sắt thép đạt 0,93 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, nhập khẩu sắt thép đạt hơn 7,73 tỷ USD, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành hàng trong những tháng cuối năm, đại diện VSA cho rằng với kịch bản các tỉnh thành phía Nam dần mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ thép có khả năng được phục hồi, dự kiến giá cả cũng có điều chỉnh nhưng sẽ không tăng đột biến.
Thực tế, giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 9 tháng trong ngày 15/9 khi sản lượng thép của nhà sản xuất hàng đầu thế giới này tiếp tục giảm, cùng với đó là mối quan ngại về nhu cầu nguyên liệu thô này.
Cụ thể, giá quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao tháng 1/2022, giảm 4,3% xuống hơn 106 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 9/12/2020.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết sản lượng thép thô hàng tháng của nước này giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống 83,2 triệu tấn trong tháng 8, đưa sản lượng trung bình hàng ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong khi đó, giá than cốc vẫn tăng do nguồn cung vẫn khan hiếm. Giá than cốc giao sau tại Đại Liên tăng hơn 1% lên gần 2.800 nhân dân tệ/tấn và than luyện cốc tăng nhẹ 0,8% lên hơn 3.400 nhân dân tệ/tấn. Sản lượng than cốc của Trung Quốc trong tháng 8 ở mức 39,7 triệu tấn, giảm 5% so với tháng 8/2020.
Tại thị trường trong nước, báo cáo của VSA cho thấy mặt bằng giá thép xây dựng dù vẫn khá cao so với cùng kỳ các năm trước nhưng diễn biến tăng đã có xu hướng sụt giảm trong tháng 8.
Cụ thể, với mức giá 16.200 đồng/kg giá thép xây dựng tháng 8 vẫn tăng hơn 47%% so với tháng 8 năm ngoái ở mức khoảng 11.000 đồng/kg.
Tuy nhiên so với tháng cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay ở mức 17.200 đồng/kg ghi nhận trong tháng 6 vừa qua thì hiện giá thép xây dựng giảm khoảng 6%.
Phân tích cụ thể lý do giá thép trong nước sẽ tăng chậm trong quý IV, lãnh đạo VSA cho rằng diễn biến giá sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường nhưng từ giờ đến cuối năm còn khoảng 3 tháng, dù các doanh nghiệp có đẩy mạnh thực hiện các dự án lớn thì việc giải ngân cũng không thể khởi động nhanh.
Trong khi đó, động lực sản xuất và tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam vẫn còn phụ thuộc vào kế hoạch phục hồi sau thời gian giãn cách nên sẽ phải mất một thời gian để bắt đầu lại.
"Nếu các tỉnh đồng loạt bỏ giãn cách và mở cửa trở lại vào cuối tháng 9 thì mới có khả năng phục hồi nhanh trong năm nay, tuy nhiên quý 4 này gần như chỉ là tạo đà vì các hoạt động cần một bước đà để quay lại nhịp độ bình thường nên về nhu cầu sẽ không tăng được nhanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng được nhu cầu tiêu thụ đang cao của thế giới để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu", đại diện VSA cho biết.
Kỳ vọng phải đến quý 1/2022 mới có thể dần phục hồi và nếu kịch bản chống dịch tốt thì nhu cầu tiêu thụ và sản xuất của doanh nghiệp sẽ hoàn toàn trở lại vào giữa năm sau, từ đó diễn biến giá thép sẽ có nhiều điều chỉnh đáng chú ý.