S&P Global đã chính thức hạ bậc xếp hạng của Evergrande xuống "vỡ nợ có chọn lọc" do công ty này không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn cho khoản nợ được gia hạn đến đầu tháng này.
S&P Global đã chính thức hạ bậc xếp hạng của Evergrande xuống "vỡ nợ có chọn lọc" do công ty này không thực hiện thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn cho khoản nợ được gia hạn đến đầu tháng này.
Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P Global Ratings ngày 17/12 đã chính thức hạ bậc của Evergrande xuống mức “vỡ nợ có chọn lọc” sau khi tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc bỏ lỡ thời hạn thanh toán trái phiếu hồi đầu tháng này.
Diễn biến đó có thể gây ra vỡ nợ chéo đối với khoản nợ 19,2 tỷ USD của nhà phát triển bất động sản này. S&P Global cũng đã rút lại xếp hạng của mình đối với tập đoàn theo yêu cầu của Evergrande.
Fitch Ratings là cơ quan đầu tiên tuyên bố nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc vỡ nợ vào ngày 9/12.
Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết tình trạng của Evergrande phải do thị trường giải quyết.
Động thái đó báo hiệu rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không cứu trợ nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới khi Evergrande đang vật lộn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD.
Tập đoàn này cho biết họ có kế hoạch “tích cực tham vấn” với các chủ nợ nước ngoài về kế hoạch tái cơ cấu. Các nguồn tin thân cận cho hay Evergrande dự định sẽ thanh toán cho tất cả nghĩa vụ nợ tư nhân lẫn trái phiếu phát hành tại thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, các trái chủ Evergrande, bao gồm công ty quản lý đầu tư Marathon Asset Management nhận định các chủ nợ nước ngoài sẽ là nhóm cuối cùng trong danh sách được tập đoàn này trả nợ.
Evergrande đang ưu tiên thanh toán cho người lao động nhập cư và các nhà thầu của họ, khi giới chức Trung Quốc thúc giục nhà phát triển chìm trong nợ nần này phải đối phó với bất kỳ nguy cơ bất ổn xã hội nào.
Người sáng lập Evergrande, ông Hứa Gia Ấn đã phải chứng kiến khối tài sản của mình sụt giảm 17,2 tỷ USD trong năm nay do cổ phiếu và trái phiếu của tập đoàn lao dốc. Từng là người giàu thứ hai châu Á với khối tài sản 42 tỷ USD, giá trị khối tài sản của ông Hứa hiện tụt xuống còn 6,1 tỷ USD.