Cổ phiếu của một số công ty “mua ngay, trả sau” đã giảm mạnh sau khi cơ quan giám sát người tiêu dùng Mỹ mở cuộc điều tra về lĩnh vực này.
Cổ phiếu của một số công ty “mua ngay, trả sau” đã giảm mạnh sau khi cơ quan giám sát người tiêu dùng Mỹ mở cuộc điều tra về lĩnh vực này.
Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) cho biết, họ đang xác minh về rủi ro và lợi ích các sản phẩm của Affirm, Afterpay, Klarna, PayPal và Zip.
Các dịch vụ “mua ngay, trả sau” cho phép người mua hàng trì hoãn thanh toán các mặt hàng, thường trong khoảng thời gian trả góp hàng tháng và không kèm theo lãi suất - mặc dù một số tính phí trả chậm rất lớn.
CFPB đặc biệt lo ngại về khả năng người tiêu dùng nhanh chóng tích lũy nợ thông qua các kế hoạch “mua ngay, trả sau”, cũng như việc thiếu các công bố quy định đầy đủ và việc thu thập dữ liệu khách hàng.
Cổ phiếu của nhiều công ty “mua ngay, trả sau” đã giảm sau thông báo này. Cụ thể, cổ phiếu của Affirm có trụ sở tại Mỹ đóng cửa giảm 11% vào 16/12, trong khi các công ty Australia như Afterpay, Zip và Sezzle vào 17/12 giảm lần lượt 8%, 6% và 10%.
Các nhà đầu tư đã đổ xô vào cổ phiếu “mua ngay, trả sau” trong năm 2020 sau khi lĩnh vực này tăng trưởng mạnh nhờ đại dịch Covid-19.
Sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử và các khoản vay linh hoạt, cùng với các gói kích cầu khổng lồ của chính phủ, đã mang lại lợi ích lớn cho các công ty như Klarna, Affirm và Afterpay.
Điều này dẫn đến việc các công ty công nghệ lớn như PayPal và Block nhảy vào “mua ngay, trả sau”, với hy vọng tận dụng sự phát triển của ngành.
PayPal đã ra mắt dịch vụ “mua ngay, trả sau” của riêng mình vào cuối năm ngoái, trong khi Block, công ty trước đây có tên là Square, gần đây đã công bố một thỏa thuận trị giá 29 tỷ USD để giành lấy Afterpay.
Nhưng tình thế đã thay đổi vào năm 2021. Cổ phiếu Afterpay đã giảm hơn 30% kể từ đầu năm, trong khi Zip giảm 25%. Cổ phiếu của Sezzle đã giảm hơn một nửa giá trị từ đầu năm đến nay.
Các công ty mới tham gia thị trường đã được cảnh báo trước về sự thua lỗ ngày càng gia tăng từ lĩnh vực này.
Khoản lỗ trước thuế của Zip đã tăng lên 724 triệu đô la Úc (518 triệu USD) trong năm tài chính 2021, tăng từ 20,6 triệu đô la Úc một năm trước đó. Afterpay lỗ 194 triệu đô la Úc trong kết quả cả năm, so với 26,8 triệu vào năm 2020.
Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo quy định mới sắp tới có thể là một "cơn bão". Christopher Brendler, nhà phân tích tại DA Davidson, nói với CNBC rằng điều này “có thể làm chậm sự tăng trưởng” của lĩnh vực “mua ngay, trả sau”.
Tại Vương quốc Anh, chính phủ đang có kế hoạch đưa ra quy định cụ thể về hoạt động “mua ngay, trả sau”. Các công ty trong ngành công nghiệp non trẻ sẽ chịu sự giám sát của Cơ quan quản lý tài chính trong nước.
Bộ Ngân khố của Anh đang tham khảo ý kiến của các công ty “mua ngay, trả sau” và các bên liên quan khác để thông báo kế hoạch của mình. Buổi tư vấn sẽ kết thúc vào ngày 6/1/2022.