Kết quả thanh tra thực hiện dự án đầu tư và sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước giao đất ở Thanh Hóa gần đây cho thấy, có tới 79 dự án không sử dụng đất hoặc chậm sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai.
Kết quả thanh tra thực hiện dự án đầu tư và sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp được Nhà nước giao đất ở Thanh Hóa gần đây cho thấy, có tới 79 dự án không sử dụng đất hoặc chậm sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai.
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Thanh Hóa mới đây vừa thanh tra đối với 231 dự án, gồm: 145 dự án trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, 86 dự án trong lĩnh vực sản xuất. Kết quả, có 52 dự án đã hoàn thành, 55 dự án đang trong giai đoạn đầu tư, chưa chậm tiến độ, 45 dự án chậm tiến độ gần 24 tháng, 79 dự án không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai.
Trong số 79 dự án chưa sử dụng đất hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, có 73 dự án đã chậm tiến độ quá 24 tháng, 6 dự án không sử dụng đất quá 12 tháng liên tục. Đáng chú ý, 4 dự án chậm tiến độ đầu tư được tỉnh này cho gia hạn thêm 24 tháng nhưng đến thời điểm có kết quả thanh tra chủ đầu tư vẫn chậm thực hiện.
Các dự án bao gồm: Nhà máy liên hiệp chế biến gỗ xuất khẩu rừng Toàn Cầu tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn của Công ty cổ phần đầu tư phát triển rừng Bền Vững Toàn Cầu; Dự án Showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm ô tô tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương của Công ty CP Mai Linh Đông Đô; Dự án Kinh doanh dịch vụ thương mại, khách sạn tại phường Quảng Hưng, TP Thanh Hoá của Công ty cổ phần Thảo Trung,...
Ngoài ra, trong số các dự án bị thanh tra còn có 20 dự án vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng đã được đoàn thanh tra xử lý vi phạm hoặc kiến nghị UBND cấp huyện, cấp xã xử lý theo quy định; có 33 dự án được UBND tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho giãn tiến độ, điều chỉnh thời gian đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chậm tiến độ kéo dài.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, việc thực tra nhằm chấn chỉnh những sai phạm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc được thực hiện minh bạch dự án của mình. Những dự án vi phạm sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thu hồi đất theo quy định của pháp luật…
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, trong năm 2022, Bộ TNMT sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra năm 2022 của Thanh tra Chính phủ và kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 của Bộ để xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022.
Cụ thể, sẽ thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực như: thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, môi trường và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn, cấp nước đa mục tiêu.
Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh than. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo đó, trong lĩnh vực đất đai sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.
Lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, xi măng, sản xuất gang, thép.
Xem thêm: 5 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đất đai
Đồng thời, sẽ thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn.
Trong lĩnh vực khoáng sản, sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, đá vôi là nguyên liệu xi măng, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Lĩnh vực tài nguyên nước sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn.
Ngoài ra, Bộ TNMT sẽ tăng cường thanh tra đột xuất đối với các tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường trên cơ sở yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước cũng như thông tin phản ánh của cơ quan truyền thông, của người dân cũng như của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 xác định khoảng 60 - 70% nhiệm vụ dự phòng tương ứng với nguồn lực để bố trí phục vụ cho các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, tham gia phối hợp với các đơn vị khác trong công tác thanh tra, kiểm tra khi được yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ phát sinh.
Xem thêm: Sớm hoàn thành xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh