Các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu trong năm tới, theo S&P Global Market Intelligence.
Các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu trong năm tới, theo S&P Global Market Intelligence.
Theo đó, S&P dự đoán khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng thực tế khoảng 3,5% vào năm 2023, trong khi châu Âu và Mỹ có thể sẽ đối mặt với suy thoái.
“Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực chiếm 35% GDP thế giới, sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và mức chi phí mang tính cạnh tranh”, S&P cho biết.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu từ mức 2% xuống 1,4%. Đây là mức giảm mạnh so với tăng trưởng toàn cầu 5,9% vào năm 2021.
Ngoài ra, với kỳ vọng kiềm chế lạm phát và chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng trong những năm tới, S&P cho biết họ dự kiến GDP thực tế toàn cầu sẽ tăng lên 2,8% vào năm 2024 và 3,0% vào năm 2025.
Trong khi triển vọng tiêu cực bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu nói chung, S&P dự báo thế giới có thể sẽ tránh được một cuộc suy thoái hoàn toàn.
Xem thêm: Giám đốc IMF muốn các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất
Sara Johnson, CEO Nghiên cứu Kinh tế của S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Với mức tăng trưởng vừa phải ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, nền kinh tế thế giới có thể tránh được suy thoái, nhưng tăng trưởng sẽ chỉ ở mức tối thiểu”.
Bà nói: “Các điều kiện kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi khi lạm phát vẫn ở mức cao dai dẳng và các điều kiện thị trường tài chính bị thắt chặt”. Đồng thời, bà cho biết, châu Âu, Mỹ, Canada và các khu vực Mỹ Latinh có khả năng chứng kiến một cuộc suy thoái trong những tháng tới.
S&P nhận định, các nền kinh tế ở châu Âu và Bắc Mỹ, chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu, có khả năng phải đối mặt với suy thoái vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
“Lạm phát cao đặc biệt đang làm tiêu hao sức mua và sẽ dẫn đến giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Cả châu Âu và Bắc Mỹ sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng của việc sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng và các điều kiện tài chính đối với thị trường nhà ở cũng như đầu tư vốn bị siết chặt”, S&P bổ sung.
S&P cho biết, việc hạ dự báo tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu cũng có thể sẽ có tác động lan tỏa thông qua thương mại và dòng vốn.
Xem thêm: Chứng khoán châu Á "xanh đỏ" đan xen