Jeff Bezos, Warren Buffett, Elon Musk chỉ phải nộp khoản thuế thu nhập khiêm tốn, thậm chí có năm không phải nộp. Các tỷ phú này đã sử dụng chiến lược gì để tránh phải đóng thuế thu nhập?
Jeff Bezos, Warren Buffett, Elon Musk chỉ phải nộp khoản thuế thu nhập khiêm tốn, thậm chí có năm không phải nộp. Các tỷ phú này đã sử dụng chiến lược gì để tránh phải đóng thuế thu nhập?
Dẫn dữ liệu mật của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), tổ chức phi lợi nhuận ProPublica mới đây cho biết một số tỷ phú giàu nhất thế giới, như Jeff Bezos, Elon Musk, Warren Buffett, Carl Icahn, Michael Bloomberg, George Soros chỉ phải nộp số tiền thuế rất nhỏ so với giá trị tài sản tăng thêm của họ trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2018.
Cụ thể, trong 5 năm trên, tổng giá trị tài sản của 25 người giàu nhất tại Mỹ tăng thêm 401 tỷ USD. Tuy nhiên, tổng số thuế thu nhập liên bang mà họ phải nộp chỉ là 13,6 tỷ USD, tương đương thuế suất thực chỉ 3,4%.
“Ngược lại, những năm gần đây, các hộ gia đình Mỹ trung bình kiếm khoảng 70.000 USD mỗi năm và phải trả thuế thu nhập liên bang 14%. Những gia đình nằm trong khung thuế thu nhập cao nhất phải trả tới 37% cho mức thu nhập trên 628.300 USD”, ProPublica thông tin.
ProPublica chỉ ra rằng, không giống hầu hết người bình thường với thu nhập chủ yếu đến từ lương, các tỷ phú thường hưởng lợi nhờ “chiến lược né thuế nằm ngoài khả năng của người bình thường”. Bên cạnh đó, thu nhập của các tỷ phú chủ yếu đến từ giá trị tăng thêm của cổ phiếu và bất động sản họ nắm giữ, do đó không bị tính thuế (trừ khi bán đi và thu lợi nhuận).
Theo tính toán của ProPublica, “thuế suất thu nhập thực” của tỷ phú Warren Buffett chỉ là 0,1%, tương đương 23,7 triệu USD cho tổng giá trị tài sản tăng thêm 24,3 tỷ USD trong 5 năm. Trong khoảng thời gian này, số thu nhập chịu thuế của ông Warren Buffett là 125 triệu USD.
Trong khi đó, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới năm 2017 chỉ phải nộp thuế 973 triệu USD, tức chưa tới 1% tổng giá trị tài sản tăng thêm 99 tỷ USD từ năm 2014 - 2018. Thu nhập chịu thuế của ông Jeff Bezos trong giai đoạn này là 4,22 tỷ USD. ProPublica cho biết, năm 2007 và năm 2011, Jeff Bezos thậm chí không phải nộp đồng thuế thu nhập liên bang nào.
Còn người giàu thứ hai thế giới, tỷ phú Elon Musk chịu thuế suất thu nhập thực chỉ 3,27%, tương đương 455 triệu USD, cho giá trị tài sản tăng thêm 13,9 tỷ USD từ năm 2014 - 2018, ProPublica cho biết. Trong khoảng thời gian này, thu nhập chịu thuế của Elon Musk là 1,52 tỷ USD. Ông thậm chí không phải nộp thuế thu nhập liên bang vào năm 2018.
Trong khi đó, Michael Bloomberg - cựu thị trưởng thành phố New York và cũng là người sáng lập Bloomberg LP chỉ chịu thuế suất thu nhập thực 1,3%, tương đương 292 triệu USD. Trong 5 năm trên, thu nhập chịu thuế của ông là 10 tỷ USD.
Trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2018, nhà đầu cơ George Soros không phải nộp thuế thu nhập liên bang. Theo người phát ngôn của ông Soros, ông không phải nộp thuế thu nhập liên bang do chịu lỗ từ các khoản đầu tư.
Một nhà đầu tư khác, Carl Icahn cũng không phải nộp thuế liên bang trong năm 2016 và năm 2017. Trong hai năm này, tổng thu nhập sau điều chỉnh của ông là 544 triệu USD.
Chia sẻ với ProPublica, ông Icahn cho biết, ông không phải nộp thuế trong 2 năm này do phải trả hàng trăm triệu USD cho các khoản vay của mình. Khi được hỏi liệu có hợp lý khi không nộp thuế thu nhập, Icahn cho biết ông thấy bối rối vì câu hỏi này.
“Có lý do để nó được gọi là thuế thu nhập. Lý do đó là nếu bạn không có thu nhập thì bạn không phải nộp thuế”, dẫn lời tỷ phú Icah.
ProPublica không tiết lộ cách thứ họ có được dữ liệu mật trên của IRS. Tại một cuộc họp báo hôm 8/6, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki đã bị đặt câu hỏi về việc thông tin thuế bị rò rỉ vào tay ProPublica.
Bà Jen Psaki cho biết: “Mọi hành vi tiết lộ trái phép thông tin mật của chính phủ của một người có quyền truy cập đều là bất hợp pháp và chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét vấn đề này. Ủy viên IRS hôm nay cho biết họ đang thực hiện mọi biện pháp thích hợp, bao gồm chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra, Bộ Tài chính và văn phòng tổng thanh tra, tổng thanh tra Bộ Tài chính về quản lý thuế, FBI và văn phòng Bộ Tư pháp tại Columbia. Tất cả đều có thẩm quyền điều tra độc lập với vụ việc này”.
Bà Psaki từ chối bình luận về thông tin bài viết của ProPublica. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi biết rằng còn nhiều việc phải làm để đảm bảo các tập đoàn và cá nhân có thu nhập cao nhất phải nộp thuế công bằng hơn”.