Mới đây, Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa riêng biệt.
Mới đây, Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Công ty cổ phần IPP Air Cargo vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa riêng biệt.
Trong bối cảnh các hãng hàng không vận tải hành khách bị thua lỗ vì dịch Covid-19 phải thay đổi chiến lược kinh doanh bằng việc vận chuyển hàng hoá, Công ty CP IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa.
Mục tiêu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo là thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
IPP Air Cargo là một doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), vừa được lập tháng 3 năm nay, trụ sở tại quận 1, TP. HCM. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hoá hàng không.
Thông tin từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty cổ phần IPP Air Cargo có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập đều liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bao gồm Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thương Mại Duy Anh, ông Wiliam Hiếu Nguyễn (con trai ông Johnathan Hạnh Nguyễn) và bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Chủ tịch IPPG, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng giữ vai trò này tại IPP Air Cargo. Tổng Giám đốc - người đại diện pháp luật của công ty này là bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng là người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không. Trước đây, ông từng làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương. Đây có thể là bước đi hợp lý của ông Johnathan Hạnh Nguyễn trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không nội địa, cũng như quốc tế ngày càng tăng cao. Hiện tại, Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hoá.
IPPG cho biết đã phát triển “hệ sinh thái” lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Tập đoàn cho biết chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng. IPPG đồng thời là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.
IPPG hiện đang hoạt động tại 6 quốc gia gồm Việt Nam, Mỹ, Úc, Hongkong, Singapore, Philippines và trụ sở văn phòng chính đặt tại Việt Nam. Trong đó, đóng vai trò hạt nhân trong “hệ sinh thái” là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP).
Chính IPP trực tiếp đầu tư một số dự án bất động sản như dự án khu phi thuế quan tại Phú Quốc với diện tích 101 ha, tổng chi phí thực hiện dự kiến hơn 6.830 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2016, IPP từng đầu tư xây dựng dự án Nhà ga Quốc tế (T2) - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thông qua chủ đầu tư là CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh – công ty thành viên được IPP trực tiếp sở hữu 55% vốn.
Ngoải ra, một công ty thành viên được IPP sở hữu 90% vốn là Công ty TNHH Thương mại Duy Anh đã mua thành công 2,21% cổ phần của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm công ty liên quan đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại Sasco lên hơn 47,5%.
Bên cạnh đó, Tập đoàn IPPG đã phát triển còn “hệ sinh thái” lên tới 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước, mang về Việt Nam hơn 100 thương hiệu thời trang cao cấp & trung cấp, sở hữu hơn 1.200 cửa hàng.
Lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu, thời trang được IPPG thực hiện qua các công ty như DAFC, ACFC và CMFC. Trong đó, DAFC phân phối loạt thương hiệu cao cấp như Versace, Rolex, Bvlagri, Burberry, … Còn ACFC và CMFC phân phối sản phẩm của các thương hiệu Levi’s, Nike, Mango.
Bên cạnh chuỗi các cửa hàng thời trang, IPPG còn đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực ẩm thực thông qua công ty IPP F&B – công ty thành viên được IPP sở hữu 89,1% vốn điều lệ. IPP F&B hiện đang cung cấp các trải nghiệm ẩm thực thông qua hình thức kinh doanh từ nhà hàng, quán cafe đến chuỗi cửa hàng kinh doanh nhượng quyền của các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng.
Ngoài ra, IPPG còn đang đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực khác thông qua các công ty thành viên như IPP Travel Retail (dịch vụ sân bay), IPP Media (dịch vụ quảng cáo), IPP Leaf (thuốc lá), IPP Spirits (rượu thượng hạng), IPP Tech (công nghệ thông tin), Autogrill VFP...