Chỉ thị 15+ sẽ tập hợp các biện pháp chống dịch ở mức cao hơn so với Chỉ thị 15 của Thủ tướng, nhưng chưa đến mức chặt chẽ như Chỉ thị 16.
Chỉ thị 15+ sẽ tập hợp các biện pháp chống dịch ở mức cao hơn so với Chỉ thị 15 của Thủ tướng, nhưng chưa đến mức chặt chẽ như Chỉ thị 16.
Theo Zing, sáng 3/9, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, Chỉ thị 15 và 15+ sẽ được các quận, huyện chủ động quyết định và áp dụng linh hoạt đối với từng xã, phường để đảm bảo một cách hiệu quả, khoa học nhất.
Theo đó, dựa vào số liệu thống kê ca nhiễm Covid-19, tình hình dịch bệnh cũng như đặc điểm dân cư, xã hội tại mỗi khu vực, TP sẽ đưa ra quyết định khu vực nào là vùng xanh, vùng cam, vùng đỏ để áp dụng sao cho phù hợp.
Ở thời điểm hiện tại, 3 mức độ giãn cách theo 3 văn bản là Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ được các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương lựa chọn áp dụng để phù hợp với địa phương.
Tuy nhiên, ở một số thời điểm đặc biệt, các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt mức độ giãn cách xã hội dựa trên 3 chỉ thị này để có Chỉ thị 15+ (cao hơn Chỉ thị 15) và Chỉ thị 16+ (cao hơn Chỉ thị 16). Theo đó, Chỉ thị 15+ được áp dụng cao hơn Chỉ thị 15 và thấp hơn Chỉ thị 16.
Cụ thể, Chỉ thị 15 người dân được khuyến cáo không ra ngoài khi không cần thiết, dừng mọi hoạt động thể thao, giải trí, văn hóa và không tụ tập quá 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện. Còn Chỉ thị 16 yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, không tụ tập quá 2 người ở ngoài công sở, trường học.
Đối với các cơ sở kinh doanh: Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 đều yêu cầu các hàng, quán, cơ sở kinh doanh các loại mặt hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Đối với các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được phép mở cửa nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh.
Đối với hoạt động vận tải: Chỉ thị 15 chỉ hạn chế việc di chuyển giữa các địa phương có dịch bệnh, nhất là Hà Nội và TP. HCM. Ở mức cao hơn, Chỉ thị 16 yêu cầu dừng hoàn toàn các loại hình vận tải hành khách công cộng, dừng việc di chuyển từ khu vực có dịch đến địa phương khác.
Dự kiến UBND TP. Hà Nội sẽ có văn bản chính thức, quy định chi tiết phân vùng nguy cơ dịch bệnh tại mỗi khu vực trên địa bàn Thủ đô; đồng thời sẽ có quy định cụ thể về Chỉ thị 15+ đối với “vùng cam” và “vùng xanh”.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương về việc thiết lập 3 vùng giãn cách xã hội theo mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất sau đợt giãn cách thứ 3.
Trên cơ sở phân vùng, đối với khu vực có nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.
Đối với các khu vực nguy cơ cao – “vùng cam” và khu vực nguy cơ thấp – “vùng xanh” sẽ áp dụng Chỉ thị 15+ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực có nguy cơ rất cao, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Theo thống kế của Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến sáng ngày 3/9/2021), Hà Nội ghi nhận 3.379 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.554 ca, số mắc là người đã được cách ly 1.825 ca.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.