Nhiều nhà đầu tư đã dự báo rằng, nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì một trong các vấn đề cần phải đối mặt đó là thiếu hụt năng lượng, mà cụ thể là thiếu điện – Theo TS.Hồ Quốc Tuấn.
Nhiều nhà đầu tư đã dự báo rằng, nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì một trong các vấn đề cần phải đối mặt đó là thiếu hụt năng lượng, mà cụ thể là thiếu điện – Theo TS.Hồ Quốc Tuấn.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, TS Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cấp cao, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh đã đưa ra một số lưu ý.
Theo TS Tuấn, nhiều ý kiến đánh giá rằng, lực lượng lao động của Việt Nam đang có điểm nghẽn trong việc tiếp nhận các kỹ năng mới, công nghệ số, các công nghệ mới. Điều này về dài hạn sẽ là một vấn đề khi FDI đầu tư vào và họ cảm thấy rằng, nhân lực không đáp ứng được nhu cầu của họ và đó là một áp lực.
Vấn đề thứ hai, theo TS Hồ Quốc Tuấn, đó là hiện nay Việt Nam nhận được nguồn vốn FDI nhiều vì chúng ta đang ở một mức độ dân số tương đối là thuận lợi về mặt chi tiêu tiêu dùng cũng như mật độ người dân tham gia vào lực lượng lao động.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng có những cảnh báo rằng, Việt Nam sẽ dần tiến tới dân số già như một số nước và điều này cũng đang gây áp lực lên một số nước như Nhật Bản, Châu Âu rồi hiện là Trung Quốc. Việt Nam phải có một chiến lược để ứng phó với việc dân số của chúng ta dần dần sẽ không còn thuận lợi nữa và như vậy, dòng vốn FDI sẽ chậm lại nếu chúng ta chỉ tận dụng được lợi thế về dân số hiện nay” - TS Hồ Quốc Tuấn phân tích.
Điểm thứ 3 được Giảng viên cao cấp của Đại học Briston chỉ ra, đó chính là một số cực tăng trưởng của Việt Nam như Tp. Hồ Chí Minh đã chậm lại và vấn đề đặt ra là Việt Nam đã tận dụng hết được dư địa của những cuộc đổi mới trước đây để tăng trưởng. Nếu muốn tiếp tục thì cần có những đổi mới về cơ chế của nền kinh tế để thúc đẩy những động lực lớn như Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng.
TS.Hồ Quốc Tuấn cũng lưu ý rủi ro mà Việt Nam đang phải đối mặt đó là biến đổi khí hậu khi là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn do tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề về thiên tai, hạn hán, lũ lụt. Để sẵn sàng ứng phó với các vấn đề này, cần phải có những giải pháp đầu tư công.
Đặc biệt, theo TS Hồ Quốc Tuấn, Việt Nam cũng gặp một vấn đề mà nhiều nước hiện nay đang gặp, đó là thiếu năng lượng. “Nhiều nhà đầu tư đã dự báo rằng, nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao thì một trong các vấn đề cần phải đối mặt là thiếu điện. Như vậy, Việt Nam cần phải làm sao để nếu tăng trưởng cao thì lượng sản xuất điện phải đáp ứng được và không phụ thuộc vào nước ngoài quá nhiều.” – TS Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Về giải pháp, theo TS. Hồ Quốc Tuấn, cần đẩy mạnh đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân tham gia vào đổi mới lực lượng lao động, đầu tư nguồn lực để chuẩn bị cho một nền kinh tế có dân số già đi và đối mặt với biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.
Với tất cả những phân tích ở trên, TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng, Việt Nam cần phải có một mức độ chi tiêu đầu tư công hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay việc giải ngân đầu tư công đang chậm nên cần có giải pháp để tháo gỡ vấn đề này.
TS.Hồ Quốc Tuấn đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn “rất thuận lợi so với nhiều nước” và chúng ta cần tận dụng cơ hội này để tạo ra những bứt phá.