Doanh nghiệp tại TP. HCM muốn tiếp tục hoạt động sản xuất kể từ ngày 15/7 phải đảm bảo "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm".
Doanh nghiệp tại TP. HCM muốn tiếp tục hoạt động sản xuất kể từ ngày 15/7 phải đảm bảo "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm".
Tại cuộc họp báo về tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 13/7, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, qua công tác sàng lọc, tầm soát, truy vết cho thấy số lượng ca nhiễm là công nhân ở các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có mối liên hệ với nơi ở của công nhân đang phân tán rộng khắp địa bàn các quận, huyện, TP. Thủ Đức.
"Điều này dẫn đến nguy cơ rất cao lây nhiễm từ nơi ở của công nhân vào nơi sản xuất và ngược lại", ông Phong nhấn mạnh.
Do đo, để thực hiện tốt nhất "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, trong đó mục tiêu đảm bảo sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP khi đảm bảo một trong hai trường hợp:
Một là doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm 3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ.
Hai là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở đến nơi sản xuất (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo hoạt động nêu trên thì dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.
UBND TP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thẩm định các doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện trên và đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch thì mới cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm định kỳ với công nhân 7 ngày/lần, chi phí do doanh nghiệp tự chi trả.
Từ 0h ngày 13/7, các doanh nghiệp chưa thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) trên địa bàn tỉnh Long An phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đã có gần 300 doanh nghiệp đăng ký thực hiện chủ trương này và đề nghị được sản xuất trở lại.
Ngay trong ngày, tỉnh Long An đã phân chia nhiều đoàn đi kiểm tra các doanh nghiệp đã thực hiện "3 tại chỗ". Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cũng tham gia kiểm tra các doanh nghiệp tại huyện Bến Lức.
Trong ngày đầu, các đoàn của tỉnh đã kiểm tra được 19 doanh nghiệp trên toàn địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" đều giảm từ 50 - 60% người lao động để thực hiện đầy đủ các tiêu chí mà tỉnh đã hướng dẫn như có nơi ở tập trung thuận lợi, nơi ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi đảm bảo…
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn chưa thể kịp triển khai test nhanh kháng nguyên hết cho người lao động và đang tiếp tục khắc phục chỉ tiêu này để sớm hoạt động trở lại.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18h ngày 13/7 đến 6h ngày 14/7, Việt Nam có thêm 909 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bình Định.
905 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (666 ca), Đồng Nai (80 ca), Khánh Hoà (44 ca), Bến Tre (43 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (19 ca), Phú Yên (18 ca), Vĩnh Long (17 ca), Ninh Thuận (4 ca), Tây Ninh (4 ca), Kiên Giang (2 ca), Thừa Thiên- Huế (2 ca), An Giang (2 ca), Bắc Ninh (2 ca), Sóc Trăng (1 ca), Bình Định (1 ca).
Trong số này có 688 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.