Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, phản ánh khả năng phục hồi lớn hơn mong đợi của các nền kinh tế trên toàn thế giới đồng thời cho thấy tín hiệu lạc quan hơn so với các báo cáo năm ngoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, phản ánh khả năng phục hồi lớn hơn mong đợi của các nền kinh tế trên toàn thế giới đồng thời cho thấy tín hiệu lạc quan hơn so với các báo cáo năm ngoái.
IMF hiện dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đạt 2,9%, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó được công bố vào tháng 10.
"Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều khả năng phục hồi ở một số nền kinh tế trong suốt năm 2022, bất chấp những cú sốc thực sự nghiêm trọng, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng năng lượng – những thứ xảy ra do hậu quả của đại dịch và sau đó là cuộc chiến của Nga vào Ukraine", chuyên gia kinh tế trưởng của IMF - ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định.
"Trên khắp thế giới, các bạn đều thấy thị trường lao động khá ổn định; tiêu dùng hộ gia đình mạnh hơn dự kiến và đầu tư kinh doanh. Nếu các bạn kết hợp tất cả những điều này lại với nhau và các bạn sẽ có một nền kinh tế toàn cầu ổn định hơn một chút. Chúng tôi đang kỳ vọng mọi thứ sẽ từ từ phục hồi", ông Gourinchas cho hay.
IMF không dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu trong năm nay, nhưng cảnh báo rằng cán cân rủi ro đối với triển vọng toàn cầu vẫn ở mức tiêu cực với khả năng tăng trưởng thấp hơn và lạm phát cao hơn. Dự báo mới nhất của IMF cũng sẽ đánh dấu sự chậm lại so với mức tăng trưởng 3,4% được thấy vào năm 2022, do lãi suất cao hơn và cuộc chiến của Nga ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng lạm phát toàn diện trên thế giới dường như đã đạt đỉnh vào quý 3 năm ngoái. Tuy nhiên, lạm phát lõi cơ bản (tức là lạm phát loại bỏ giá lương thực và năng lượng – hai mặt hàng dễ biến động), vẫn chưa đạt đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế và vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 8,8% năm 2022 xuống 6,6% năm nay và 4,3% năm 2024; lạm phát trước đại dịch trung bình gần 3,5% trên toàn cầu.
Nhà kinh tế trưởng Gourinchas cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy hiện nay tương đối đáng khích lệ đối với động lực lạm phát. Trong năm 2023, tăng trưởng có thể chạm đáy rồi từ từ hồi phục và lạm phát có thể giảm xuống. Đây có thể là một bước ngoặt."
Tuy nhiên, trong khi ông Gourinchas cho biết lạm phát có thể đang đi đúng quỹ đạo, ông này cảnh báo chi phí đầu vào tăng lên do giá năng lượng hoặc tăng lương có thể một lần nữa đẩy lạm phát đi lên. Và với việc lạm phát lõi vẫn cao hơn mục tiêu của hầu hết các ngân hàng trung ương, IMF không nghĩ rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu đã hoàn thành việc tăng lãi suất.
“Chúng ta đã có một vài tin tốt về lạm phát nhưng còn quá sớm để thực sự tuyên bố chiến thắng,” ông Gourinchas đã nói như vậy đồng thời lưu ý rằng cuộc chiến chống lạm phát “vẫn chưa chiến thắng”. Ông Gourinchas cho rằng việc Fed dự đoán sẽ tăng lãi suất trên 5% trong năm nay có vẻ phù hợp.
IMF lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế Mỹ so với Fed trong dự báo mới nhất.
IMF đang dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ là 1,4% trong năm nay, trong khi Fed dự đoán mức tăng trưởng chỉ ở mức 0,5%.
Ông Gourinchas cho rằng mặc dù Mỹ đang bắt đầu chứng kiến tình trạng sa thải nhân công bên ngoài lĩnh vực công nghệ, nhưng thị trường việc làm của Mỹ hiện vẫn đang khan hiếm. Với việc Fed tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế trong năm nay và sang năm 2024, IMF dự kiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên trên 5% một chút vào năm 2024 từ mức 3,5% vào tháng 12 năm 2022.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ không nhất thiết trùng với suy thoái kinh tế, theo quan điểm của IMF, và ông Gourinchas cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh an toàn trong năm nay.