Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Nga vào tháng 2/2023 được dự báo sẽ giảm 17% so với sản lượng trước khi xung đột diễn ra, trong bối cảnh lệnh cấm vận của EU đối với hàng xuất khẩu của Moscow có hiệu lực.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Nga vào tháng 2/2023 được dự báo sẽ giảm 17% so với sản lượng trước khi xung đột diễn ra, trong bối cảnh lệnh cấm vận của EU đối với hàng xuất khẩu của Moscow có hiệu lực.
Mặc dù mức giảm 1,9 triệu thùng/ngày nhỏ hơn mức giảm 3 triệu thùng/ngày mà IEA dự đoán vào tháng 3, nhưng dự báo cho thấy, tác động từ lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu thô và tinh chế Nga vẫn có thể ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực quốc gia này.
Nga, một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã bơm gần 11 triệu thùng/ngày dầu thô và các sản phẩm liên quan đến nhiên liệu trong tháng 8 vừa qua.
Bên cạnh đó, IEA dự kiến, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm xuống còn 10,2 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2022 và 9,5 triệu thùng/ngày vào tháng 2/2023.
Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo rằng, một khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực, 1,4 triệu thùng dầu thô/ngày và 1 triệu thùng các sản phẩm khác liên quan đến dầu mỗi ngày của Nga sẽ cần phải tìm một thị trường mới nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Xem thêm: IEA: Khủng hoảng nguồn cung dầu toàn cầu dần thoái lui
Ngoài ra, ảnh hưởng cuối cùng của các lệnh trừng phạt từ phía EU sẽ phụ thuộc vào tác động của việc áp trần giá do nhóm G7 đề xuất, với mục đích hạn chế nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu lửa trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.
"Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục giảm tốc do sự suy thoái ở các nền kinh tế phát triển và tác động tiếp tục của việc phong tỏa để kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chuyển đổi khí đốt sang dầu quy mô lớn để sản xuất điện do giá khí đốt tự nhiên tăng kỷ lục, có nghĩa là tổng nhu cầu tăng trưởng chỉ chậm lại một chút”, IEA nhận định.
IEA dự kiến, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 2 triệu thùng/ngày vào năm 2022, lên mức 99,7 triệu thùng/ngày. Năm 2023, IEA dự kiến nhu cầu sẽ tăng thêm 2,1 triệu thùng/ngày và vượt mức trước đại dịch là 101,8 triệu thùng/ngày.
Ở diễn biến khác, OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 3,1 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và 2,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Ngày 13/9, OPEC đã nhận định rằng, đợt bán tháo gần đây của giá dầu là do “các tín hiệu sai lầm”, song cũng chỉ ra mức tăng trưởng nhu cầu dự kiến sẽ đạt mức "lành mạnh" vào năm sau.
Xem thêm: IEA: Châu Âu cần chuẩn bị cho tình huống Nga "khóa van" hoàn toàn khí đốt