Gia đình của cố tộc trưởng Samsung Lee Kun-hee dự kiến sẽ công bố việc chi trả thuế thừa kế và việc phân chia tài sản trước thứ Sáu tuần này, theo Financial Times.
Gia đình của cố tộc trưởng Samsung Lee Kun-hee dự kiến sẽ công bố việc chi trả thuế thừa kế và việc phân chia tài sản trước thứ Sáu tuần này, theo Financial Times.
Qua đời vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee, người giàu nhất Hàn Quốc, để lại khối tài sản khổng lồ lại cho vợ và ba con. Tuy nhiên, bà Hong Ra-hee cùng 3 con, trong đó có Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong ("Thái tử" Samsung), dự kiến phải nộp tổng cộng gần 11 tỷ USD - khoản thuế thừa kế lớn chưa từng thấy tại Hàn Quốc.
Trước thời hạn phải nộp số thuế "khủng" vào thứ Sáu tuần này, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc gia sản của ông Lee quá cố sẽ được chia cho các thành viên gia đình thế nào. Kết quả của việc này sẽ tác động lớn quyền kiểm soát của gia đình đối với nghiệp đoàn lớn nhất và quyền lực nhất Hàn Quốc. Samsung được thành lập hơn 80 năm trước bởi ông Lee Byung-chull, cha của ông Lee Kun-hee.
Vào tháng 12 năm ngoái, số thuế thừa kế đối với riêng số cổ phiếu của ông Lee Kun-hee được xác nhận là 11.000 tỷ Won (9,87 tỷ USD), dựa trên giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu 2 tháng trước và sau khi ông qua đời.
Ngoài ra, ông Lee Kun-hee còn để lại khối bất động sản rất lớn, bao gồm 2 căn nhà tại trung tâm thành phố Seoul trị giá lần lượt là 40,8 tỷ Won và 34,2 tỷ Won. Ông Lee cũng sở hữu 50% công viên giải trí Everland rộng 14.878 m2 ở phía nam thành phố, ước tính trị giá là 2.000 tỷ Won.
=> Xem thêm: Sam - Trợ lý ảo mới Samsung
Bên cạnh đó, tỷ phú này sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật với hơn 23.000 tác phẩm, gồm các tác phẩm nổi tiếng như "Water Lilies" của laude Monet hay "Portrait of Dora Maar" của Pablo Picasso, không thuộc các tác phẩm được lưu trữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum Samsung và Bảo tàng Nghệ thuật Ho-Am do Tổ chức Văn hóa Samsung điều hành.
Theo truyền thông Hàn Quốc, gia đình nhà sáng lập Samsung có thể sẽ quyên góp một số tác phẩm nghệ thuật của ông Lee cho Bảo tàng nghệ thuật đương đại và hiện đại quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc. Với những tác phẩm quyên góp, gia đình Samsung sẽ không phải nộp thuế.
Theo luật, bà Hong Ra-hee, với tư cách vợ của ông Lee Kun-hee, sẽ nhận được 1/3 tổng tài sản thừa kế, số còn lại thuộc về các con. Ba người con của ông Lee gồm con gái Lee Boo-jin, Giám đốc điều hành của khách sạn Hotel Shilla của tập đoàn, Lee Seo-hyun, Chủ tịch Tổ chức Phúc lợi Samsung và Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, gia đình này có thể sẽ đồng ý để Lee Jae-yong nhận phần lớn nhất - người đặc biệt quan trọng trong việc xác định quyền kiểm soát tiếp tục đế chế Samsung.
Gia đình cũng cam kết sẽ trả đầy đủ gần 11 tỷ USD tiền thuế liên quan đến tài sản thừa kế. Họ cho biết, số tiền này sẽ được trả thành 6 đợt trong thời hạn 5 năm.
Gia đình Samsung dự kiến công bố việc chi trả thuế thừa kế và việc phân chia tài sản trước thứ Sáu tuần này: “Nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của chúng tôi là phải trả tất cả các loại thuế”, gia đình cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.
Tập đoàn Samsung, bắt đầu kinh doanh cá khô và rau củ vào những năm 1930, là một trong những nhà sản xuất chip máy tính và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới trong số vô số thiết bị và linh kiện điện tử.
Ông Lee Kun-hee trước đó kiểm soát Samsung thông qua một mạng lưới công ty cổ phần phức tạp. Ông sở hữu 4,18% cổ phần tại Samsung Electronics - công ty kinh doanh cốt lõi của tập đoàn, cũng như 20,76% cổ phần công ty bảo hiểm Samsung Life Insurance và 2,88% công ty xây dựng Samsung C&T.
Tại Hàn Quốc, tập đoàn này được mệnh danh là "Cộng hòa Samsung" khi bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh doanh và xuất hiện trong mọi mặt đời sống của người dân. Tổng doanh thu của tập đoàn Samsung - gồm 59 công ty con từ điện tử cho tới đóng tàu, dược phẩm sinh học, bảo hiểm - tương đương khoảng 20% GDP của Hàn Quốc trong nhiều năm qua.