Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 27/4, bao gồm: NKG, FRT, REE.
Cafedautu.vn xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 27/4, bao gồm: NKG, FRT, REE.
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 1 năm là 50.000 đồng/cp
CTCK SSI - SSI
SSI ước tính doanh thu năm 2022 của CTCP Thép Nam Kim (HOSE - Mã: NKG) đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tiêu thụ ước tính tăng 6,2% so với cùng kỳ đạt 1,2 triệu tấn. Tuy nhiên, SSI vẫn ước tính lợi nhuận ròng sẽ giảm 16% so với cùng kỳ đạt 1,9 nghìn tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp giảm, do không còn lợi nhuận từ hàng tồn kho giá rẻ như trong năm 2021.
NKG giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 hấp dẫn là 4,5x. SSI lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 1 năm là 50.000 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu là 6x.
Xem thêm: Thị trường chứng khoán thế giới "mong manh"
Khuyến nghị giữ cổ phiếu FRT với giá mục tiêu 72.600 đồng/cp
CTCK Phú Hưng - PHS
Kết quả kinh doanh Q1/2022: Trong giai đoạn đầu năm 2022, Ban lãnh đạo CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE - Mã: FRT) cho biết nguồn cung hàng hóa của Công ty vẫn không bị đứt gãy do chiến tranh giữa Nga và Ukraine bởi FRT là đối tác lớn với các nhãn hàng vì thế Công ty được hưởng việc ưu tiên nhập hàng và thường ký trước hợp đồng nhập hàng trong vòng 3 tháng. Đây cũng là nhân tố tích cực giúp FRT ghi nhận KQKD quý 1 vượt trội với mức tăng trưởng DTT và LNTT lần lượt ~65% và gấp 5 lần so với năm 2021. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 28% kế hoạch DTT và LNTT của 2022. Ban lãnh đạo kỳ vọng cho FRT có thể sớm cán mốc kế hoạch của 2022.
Kế hoạch kinh doanh 2022: Ban lãnh đạo FRT đưa ra kế hoạch kinh doanh 2022 của công ty với DTT và LNTT mục tiêu 27.000 tỷ đồng và 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 30% so với mức thực hiện năm 2021.
FPT Shop kỳ vọng tăng trưởng hai chữ số trong 2022: Mặc dù nhu cầu sử dụng laptop/tablets sau giãn cách xã hội, FPT Shop có thể ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số trong 2022 khi Công ty đã có chiến lược (1) Mở rộng chuỗi F.Studio – cửa hàng chuyên bán lẻ các sản phẩm của Apple về quy mô cửa hàng và số lượng, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng; (2) Đẩy mạnh các điểm bán PC Gaming nhằm hoàn thiện hệ sinh thái máy tính; (3) Ghi nhận doanh thu từ nhãn hàng mới - Xiaomi, kỳ vọng doanh thu Xiaomi chiếm 7-10% tổng doanh thu ĐTDĐ; (4) Nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo.
Trong trung và dài hạn, Ban lãnh đạo FRT nhận định mức tăng trưởng ngành hàng ICT vẫn tăng trưởng tốt nhờ (1) Nhu cầu laptop/ tablets còn dư địa tăng trưởng khi mỗi năm ước tính có khoảng 200 nghìn sinh viên vào trường đại học và có khoảng 1 triệu trẻ em bước chân vào trường học; (2) Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng cao; (3) Nhu cầu sử dụng Internet, công nghệ trở thành thói quen mới sau thời gian dài đại địch. Với vòng đời sản phẩm trung bình từ 2-4 năm, nhu cầu ngành hàng ICT vẫn có sẽ bắt đầu tăng giai đoạn 2023-2024 cho chu kỳ mới của sản phẩm.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu dần gặt hái “quả ngọt”: FRT sẽ đẩy mạnh tiến độ mở cửa hàng, dự kiến mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng từ 700 – 800 vào cuối năm 2022. Mục tiêu doanh thu/ cửa hàng cũ của Long Châu trong 2022 ~1,5 tỷ đồng (+20%-30 YoY). Bên cạnh đó, Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hóa, đồng thời tập tập trung quản lý chất lượng sản phẩm.
Ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận Long Châu đóng góp 50-100 tỷ đồng trong tổng doanh thu của FRT. Định hướng dài hạn của Long Châu là phục vụ trực tiếp khách hàng ở nhóm bệnh phổ biến (như tim mạch, tiểu đường,..) và có thể mở rộng sang Healthcare (bao gồm: phòng khám, chăm sóc sức khỏe,..). Về việc IPO Long Châu trong tương lai, Ban lãnh đạo cho biết sẽ đánh giá và cân nhất kỹ lưỡng dựa trên phương án nào có lợi nhất cho Cổ đông.
Chính sách chi trả cổ tức và ESOP: FRT sẽ chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50%. Ngoài ra, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) dựa trên kết quả kinh doanh năm 2022, với tỷ lệ phát hành dự kiến tối đa là 2% trên số lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm phát hành. Thời gian hạn chế chuyển nhượng của số cổ phiếu này là 3 năm.
Định giá & khuyến nghị: Trong 2022, PHS nâng DTT của FRT từ mức 27.977 tỷ đồng lên 29.092 tỷ đồng (+29% YoY) do nhu cầu ngành hàng ICT vượt kỳ vọng trước đó của PHS. LNST ước tính ở mức 693 tỷ đồng với biên lãi gộp ở mức 15%. Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, PHS đưa mức giá hợp lý cho cổ phiếu FRT 172.600 đồng/cổ phiếu, tăng 7% so với mức giá hiện tại. Từ đó khuyến nghị GIỮ cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Việc mở rộng chuỗi cửa hàng và cải thiện biên lãi gộp thấp hơn so với kỳ vọng; (2) Cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ; (3) Áp lực trả lãi vay trong ngắn hạn; (4) Rủi ro pha loãng cổ phiếu.
Khuyến nghị nhà đầu tư chốt lãi cổ phiếu REE tại ngưỡng 84
CTCK BIDV - BSC
Cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh có một phiên tăng điểm tốt với mẫu hình nến Marubozu gần như hoàn hảo tuy nhiên thanh khoản cổ phiếu chưa vượt ngưỡng trung bình 20 phiên.
Đường MACD hiện vẫn đang ở dưới đường tín hiệu tuy nhiên chỉ RSI đang cho thấy xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA100 và MA200 tuy nhiên vẫn đang ở dưới đường MA20 và MA50.
Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 73.9, chốt lãi tại ngưỡng 84.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 69.0.
Xem thêm: ADB hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22,8 tỷ USD