Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí về những đổi mới, hoạt động nổi bật của Quốc hội trong năm 2022 và những định hướng quan trọng trong năm 2023...
Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với báo chí về những đổi mới, hoạt động nổi bật của Quốc hội trong năm 2022 và những định hướng quan trọng trong năm 2023...
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, nhìn vào 10 sự kiện và hoạt động nổi bật của Quốc hội trong năm 2022 đã cho thấy tinh thần đổi mới của Quốc hội được thể hiện xuyên suốt trong cả năm vừa qua. Trước hết là ở lĩnh vực lập pháp, Chủ tịch đánh giá như thế nào về những cách làm mới, cách tiếp cận mới, đặc biệt là tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, khẩn trương vào cuộc với những vấn đề cấp bách và cần thiết của đất nước?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Như chúng ta đã biết, lập pháp là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội được Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định. Ở nước ta, yêu cầu của Đảng từ trước đến nay cũng như trong nhiệm kỳ này phải xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai và minh bạch; đồng thời phải đảm bảo tính ổn định cao và khả thi, đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy sự nghiệp hội nhập sâu rộng với quốc tế của Việt Nam. Yêu cầu đó đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với Quốc hội nói chung và Quốc hội khóa XV không phải ngoại lệ.
Kế thừa những thành tựu trước đây trong công tác lập pháp, Quốc hội khóa XV đã có những đổi mới mạnh mẽ. Trước đây, chúng ta có cách tiếp cận pháp luật ngắn hạn, theo từng năm. Như Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã không còn quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chương trình lập pháp 5 năm như trước đây mà chỉ quyết định hàng năm. Điều này có ưu điểm là tạo sự linh hoạt trong việc xây dựng và điều chỉnh chương trình.
Tuy nhiên, điều này lại có hạn chế là thiếu đi cái nhìn dài hạn, tổng thể và toàn diện hay khó có thể tiếp cận từ sớm, từ xa để khắc phục tình trạng như dân gian vẫn nói “bắc nước sôi chờ gạo”, điều mà thực tế đang cần lại chưa trình được Quốc hội xem xét thông qua và ngược lại. Do đó, trong khóa XV này, Đảng đoàn Quốc hội đã trình với Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19 – KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có văn bản về công tác lập pháp của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 xác định trong cả nhiệm kỳ 5 năm có 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải rà soát để tổ chức xây dựng và thực hiện. Trong đó, có những nhiệm vụ liên quan đến luật, pháp lệnh và nghị quyết có chứa quy phạm. Nhờ có Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trên cơ sở Kết luận số 19 – KL/TW, Quốc hội mới có thể vào cuộc từ sớm, từ xa.
Đồng thời, tất cả các cơ quan soạn thảo từ Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác ngay từ đầu nhiệm kỳ đã biết rõ nhiệm vụ của mình từng năm và cả nhiệm kỳ. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng hình dung được mình phải rà soát, thẩm tra những nội dung nào. Đây là điểm đổi mới căn cơ nhất giúp cho Quốc hội tiếp cận từ sớm, từ xa việc xây dựng pháp luật và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để đảm bảo yêu cầu cao nhất cho chất lượng của luật pháp.
Mặt khác, muốn cho luật pháp đi vào cuộc sống thì cuộc sống phải được thể hiện trong pháp luật. Do đó, công tác lập pháp của Quốc hội ngày càng phải thích ứng với điều kiện thực tế của đất nước. Những yêu cầu phát sinh mà người dân và doanh nghiệp đòi hỏi thì Quốc hội phải lập tức có hành động. Do đó, trong 2 năm qua, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã vào cuộc với tinh thần từ sớm, từ xa, chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời phải trên cơ sở các yêu cầu thực tiễn như vấn đề phòng, chống dịch bệnh, vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các thể chế, chính sách cho việc thí điểm cho các cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và những dự án luật quan trọng liên quan đến kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng…của đất nước.
Tôi có thể nói rằng, năm 2022 khép lại, chúng ta đã có một năm thành công của Quốc hội với 2 kỳ họp thường kỳ và 1 kỳ họp bất thường. Chúng ta đã thông qua đến 13 luật, cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được 3 pháp lệnh. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hơn 20 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu bức thiết của cuộc sống.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp bất thường của Quốc hội minh chứng cho một Quốc hội đổi mới, sáng tạo trên mọi mặt hoạt động với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Chủ tịch có thể đánh giá sâu hơn về ý nghĩa của kỳ họp bất thường trong việc giải quyết kịp thời, đúng, trúng các vấn đề phát sinh trong thực tiễn?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định một năm, Quốc hội họp hai kỳ (gọi là họp thường xuyên) và họp bất thường khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất có 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu. Hiến pháp và Luật đã có quy định về kỳ họp bất thường của Quốc hội từ lâu nhưng phải đến nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp bất thường. Tính đến thời điểm này là đã có 2 kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV được tổ chức.
Như tôi đã nói, hoạt động của Quốc hội ngày càng phải thích ứng với yêu cầu của cuộc sống, ngày càng phải đảm bảo tính thiết thực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã trong sửa 9 luật trong cùng 1 dự án luật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt thể chế và chính sách, kiến tạo không gian cho phát triển.
Chúng ta cũng đã ban hành nhiều luật và nghị quyết như Nghị quyết số 30/2021/QH15 trong đó có những quy định về phòng, chống dịch bệnh để trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương những thẩm quyền đặc thù, đặc cách, đặc biệt mà khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định trong pháp luật để đáp ứng ngay những yêu cầu cấp bách của phòng, chống dịch bệnh và tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 để ban hành gói chính sách tài khóa và tiền tệ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có tổng giá trị lên đến gần 350 nghìn tỷ đồng, tương đương 15-16 tỷ USD.
Nhờ những quyết sách như vậy nên kinh tế Việt Nam năm qua đã tăng trưởng đến 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%. Chúng ta có tăng trưởng cao và lạm phát thấp – ngược với xu thế, tình hình chung của thế giới. Đây là những đóng góp tích cực của Quốc hội trong các quyết sách đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Ngoài ra, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội cũng giải quyết những vấn đề như ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây là việc mà từ trước đến nay chúng ta chưa làm, chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền lệ. Chúng ta cũng đã thông qua được dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hay các vấn đề về nhân sự, kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Như tôi đã phát biểu trong bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội vừa qua, những kỳ họp bất thường cũng chính là những hoạt động bình thường của Quốc hội để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn đất nước.
Phóng viên: Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân bày tỏ đánh giá cao các quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19 và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, nhất là Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Những quyết sách đó và việc triển khai trên thực tiễn đã thể hiện rõ quan điểm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp” chưa, thưa Chủ tịch Quốc hội?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Để đáp ứng được yêu cầu về mặt hình thức và chất lượng nội dung của từng luật và cả hệ thống pháp luật thì một trong những yêu cầu quan trọng đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và như trong tuyên thệ nhậm chức của tôi khi được Quốc hội tin tưởng bầu vào vị trí Chủ tịch Quốc hội khóa XV đó là: Mọi quyết sách, mọi thể chế và pháp luật đều phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, đặt lợi ích của người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm. Điều này được thể hiện trong tất cả các chức năng, hoạt động và quyết định của Quốc hội từ lập pháp, giám sát tối cao đến quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Theo đó phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước.
Quốc hội đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/202, và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15
Trong những năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, những vấn đề không chỉ cả nước ta mà cả thế giới và khu vực chưa từng có với tình hình phức tạp, diễn biến khó lường và khó dự báo như dịch COVID-19. Do đó, các quyết sách của Quốc hội phải đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi này. Dẫn chứng cho việc giải quyết những vấn đề do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Quốc hội đã có Nghị quyết 30/2021/QH15.
Trên cơ sở Nghị quyết 30/2021/QH15 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 nghị quyết để quyết định những vấn đề được Quốc hội ủy quyền liên quan đến các vấn đề thể chế, chính sách và nguồn lực, chưa kể những nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15.
Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 43/2022/QH15 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sau thời kỳ dài chịu tác động nặng nề của đại dịch, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp bị bào mòn. Nghị quyết này được coi là sự tiếp sức kịp thời của Đảng, Nhà nước ta và được thể chế hóa bằng các chính sách, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Tôi cho rằng dư luận xã hội nói chung, cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đều hoan nghênh, đồng tình, đánh giá cao những quyết sách của Quốc hội và Chính phủ thời gian qua, cũng như có mong muốn mọi hoạt động của hệ thống chính trị nói chung cần tiếp tục đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm một cách thực chất.
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề rất lớn mà thực tiễn đang gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ là pháp luật về đất đai … Xin Chủ tịch Quốc hội đánh giá triển vọng việc giải quyết các vấn đề lớn này thông qua hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Một trong những nhiệm vụ lập pháp có thể nói là quan trọng nhất, quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV chính là xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với đó là hoàn thiện nhiều đạo luật khác có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đấu thầu, thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng…
Đối với Luật Đất đai, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội đều có trăn trở là làm thế nào để có được Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục cho được những bất cập, những điểm nghẽn hiện nay.
Trong hoàn thiện Luật Đất đai, chúng ta có thuận lợi là có cơ sở chính trị là Nghị quyết của Trung ương về định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng và từ đó chúng ta huy động tổng lực sức mạnh của cả Quốc hội và Chính phủ cho công tác này, cũng như huy động được đội ngũ đông đảo chuyên gia và lấy ý kiến Nhân dân.
Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII” do Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến Nhân dân lần này cũng có những điểm mới để biến công tác này thành những hoạt động thực chất, tránh tình trạng như tôi đã nói tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “lấy ý kiến cho có”. Bởi đời sống, trí tuệ Nhân dân là không có giới hạn, đòi hỏi chúng ta phải “gạn đục khơi trong” trong tổ chức thực hiện.
Việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngoài kênh của Chính phủ thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết nghị phải lấy ý kiến Nhân dân bao gồm người dân, doanh nghiệp, những đối tượng có liên quan đến sử dụng đất ở kênh Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng với đó huy động sự tham gia của kênh báo chí truyền thông. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ vọng qua kênh của báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí của Quốc hội trở thành nơi để thu thập, tổng hợp và kiến nghị những tiếng nói của người dân, doanh nghiệp gửi đến Quốc hội trong việc hoàn thiện luật này.
Tôi tin tưởng rằng với sự tập trung trí tuệ của cả nước, với sự cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ thì qua Kỳ họp thứ 6 và đến Kỳ họp thứ 7, chúng ta có thể thông qua được Luật Đất đai (sửa đổi) với chất lượng tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của đất nước trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Bước sang năm mới 2023, Chủ tịch Quốc hội có thể cho cử tri và Nhân dân biết những định hướng lớn của Quốc hội trong hoàn thiện thể chế và những giải pháp để bảo đảm chất lượng lập pháp trong năm 2023 này cũng như những năm tiếp theo của nhiệm kỳ khóa XV?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Như đã trả lời, chúng ta đã có định hướng, đường đi, nước bước. Vấn đề quan trọng là Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải tiếp tục duy trì được áp lực cũng như động lực và đến từng đại biểu Quốc hội, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội trong quá trình tham mưu, phục vụ Quốc hội trong tất cả các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.
Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển 77 năm qua, Quốc hội ta đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa và phát triển di sản khổng lồ 77 năm qua là điều không phải dễ dàng nhưng yêu cầu của cuộc sống là phải không ngừng phát triển, không ngừng tiến lên phía trước.
Thực tế trong chặng đường phát triển, đổi mới để tiến thêm được một bước, thậm chí chỉ nửa bước là điều rất khó khăn nhưng chúng ta không được phép dừng lại, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động trong tất cả lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, công tác dân nguyện, đối ngoại, hoạt động tham mưu và phục vụ cho Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Tôi tin tưởng rằng với những kinh nghiệm tích lũy được, những thành tích đã có thì trong năm 2023 này, Quốc hội ta sẽ tiếp tục vượt qua những thách thức, khó khăn, hoàn thành một cách tốt đẹp nhất những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, ngày càng xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân.
Tôi cũng rất mong mỏi Nhân dân và cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, các giới, các ngành và cả các cơ quan thông tấn báo chí thường xuyên đóng góp ý kiến cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và cử tri.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Xin được gửi đến Chủ tịch Quốc hội lời chúc mừng năm mới sức khỏe, thành công, thịnh vượng, cùng với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo đất nước, Quốc hội phát triển, tiếp tục gặt hái những thành tựu to lớn trong năm 2023!