Những công ty tiền điện tử lớn đã nộp đơn xin phá sản trong năm qua gồm có Genesis, Core Scientific, Blockfi, FTX, Celsius Network, Voyager Digital, Three Arrows Capital.
Những công ty tiền điện tử lớn đã nộp đơn xin phá sản trong năm qua gồm có Genesis, Core Scientific, Blockfi, FTX, Celsius Network, Voyager Digital, Three Arrows Capital.
Đơn vị cho vay của công ty tiền điện tử Genesis (Mỹ) là Genesis Global Capital hôm 19/1 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trở thành “nạn nhân” mới nhất của cuộc khủng hoảng tiền điện tử đang diễn ra.
Điều này cho thấy trong khi bitcoin đang tăng giá trong năm 2023, tác động của cuộc khủng hoảng tiền điện tử vẫn tiếp tục tấn công các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Dưới đây là danh sách những công ty tiền điện tử lớn đã nộp đơn xin phá sản trong năm qua.
Genesis
Là một trong những công ty cho vay tiền điện tử lớn nhất, Genesis Global Capital đã “khóa” tính năng rút tiền của khách hàng vào tháng 11/2022, sau khi sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX làm choáng váng giới tài chính.
Trong hồ sơ xin phá sản gửi lên Tòa án Phá sản quận phía Nam của New York hôm 19/1, Genesis Global Capital cho biết tổng giá trị tài sản và nợ phải trả của công ty này dao động trong khoảng từ 1-10 tỷ USD và ước tính có hơn 100.000 chủ nợ.
Genesis Global Holdco, tập đoàn mẹ của Genesis Global Capital, cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản, cùng với một đơn vị cho vay khác là Genesis khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Core Scientific
Một trong những công ty khai thác tiền điện tử được giao dịch công khai lớn nhất ở Mỹ Core Science đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ vào tháng 12/2022.
Nguyên nhân được Core Science trích dẫn là do giá bitcoin sụt giảm, chi phí năng lượng tăng cao và khoản nợ chưa trả trị giá 7 triệu USD từ công ty cho vay tiền điện tử đã phá sản Celsius Network.
Blockfi
Công ty cho vay tiền điện tử BlockFi đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối tháng 11/2022, khoảng hai tuần sau khi FTX sụp đổ.
BlockFi cho biết do hợp tác khá nhiều với FTX nên công ty đã gặp phải một cuộc khủng hoảng về thanh khoản. Công ty cho vay có trụ sở tại New Jersey đã vay 400 triệu USD từ FTX để duy trì hoạt động sau khi các công ty cho vay tiền điện tử cạnh tranh là Voyager Digital Ltd và Celsius Network phá sản vào đầu năm 2022.
FTX
Sàn giao dịch có trụ sở tại Bahamas đã gây sốc cho thế giới tiền điện tử khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 11/2022, sau khi chứng kiến làn sóng rút vốn ồ ạt lên đến 6 tỷ USD chỉ trong 72 giờ, và bị sàn giao dịch tiền điện tử đối thủ Binance bất ngờ từ chối “giải cứu."
Quỹ phòng hộ liên kết của FTX là Alameda Research cũng đã nộp đơn xin phá sản. Sự sụp đổ của các công ty do cựu tỷ phú Sam Bankman-Fried thành lập đã trở thành một trong những thất bại nghiêm trọng nhất trong lĩnh vực tiền điện tử. Các đơn vị đầu tư vào FTX bao gồm BlackRock và quỹ lương hưu lớn nhất của Canada.
Cựu tỷ phú Bankman-Fried đã không nhận tội trước toà án New York về các cáo buộc vi phạm hình sự liên quan đến sự sụp đổ của FTX.
Celsius Network
Phá sản vì sự sụp đổ của đồng terraUSD (đồng stablecoin thuật toán và phi tập trung của blockchain Terra) và đồng luna, Celsius đã bắt đầu nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào ngày 14/7.
Kể từ đó, Celsius vướng vào các tranh chấp liên quan đến điều tra gian lận, hành vi đối xử phân biệt với tài khoản khách hàng, quyền riêng tư của khách hàng và hoạt động đầu tư vào một cơ sở khai thác bitcoin mới.
Voyager Digital
Công ty cho vay tiền điện tử có trụ sở tại New Jersey Voyager Digital đã nộp đơn xin phá sản tại Mỹ vào ngày 6/7 sau khi Three Arrows Capital (3AC) vỡ nợ vì khoản vay tiền điện tử trị giá hơn 650 triệu USD.
Chi nhánh tại Mỹ của sàn giao dịch tiền điện tử lớn Binance cho biết hồi tháng 12 rằng họ dự định mua lại nền tảng cho vay tiền điện tử của Voyager trong một thỏa thuận trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể bị trì hoãn hoặc ngăn chặn trong quá trình thẩm định đầu tư nước ngoài vào các công ty của Mỹ vì rủi ro an ninh quốc gia.
Three Arrows Capital
Quỹ phòng hộ tiền điện tử Three Arrows Capital đã nộp đơn xin phá sản vào ngày 1/7, do sự sụp đổ đồng terraUSD và đồng luna vào tháng Năm.
Cuộc khủng hoảng này đã “xóa sạch” 42 tỷ USD giá trị tài sản của các nhà đầu tư và hậu quả là Hàn Quốc đã ra lệnh bắt giữ đối với các nhà phát triển của terraUSD./.