Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, 6 phòng khám tại TP. HCM đã gửi thông báo đến Bảo hiểm xã hội TP. HCM xin tạm ngưng hoạt động.
Do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, 6 phòng khám tại TP. HCM đã gửi thông báo đến Bảo hiểm xã hội TP. HCM xin tạm ngưng hoạt động.
Để hạn chế tình trạng lây lan của dịch bệnh Covid-19, các phòng khám tại TP. HCM xin tạm ngưng hoạt động.
BHXH TP. HCM cho biết,để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế của người tham gia, trong thời gian các phòng khám tạm ngưng hoạt động đề nghị người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh quận/huyện, các phòng khám đa khoa khác.
1. Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH chẩn đoán y khoa Tâm Phúc), quận Gò Vấp, tạm ngưng hoạt động từ 27/5 - 20/6.
2. Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH Phong Tâm Phúc), quận Bình Tân, tạm ngưng hoạt động từ ngày 31/5 cho đến khi có thông báo mới.
3. Phòng khám đa khoa Khánh Tâm - Công ty TNHH y tế Thu An Khánh, huyện Nhà Bè, tạm ngưng hoạt động từ 31/5 - 13/6.
4. Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa quốc tế An Phú), TP Thủ Đức, tạm ngưng hoạt động từ ngày 1/6 - 15/6.
5. Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH y khoa quốc tế Thiện Phúc), huyện Củ Chi, tạm ngưng hoạt động từ ngày 6/5 - 5/8.
6. Phòng khám đa khoa (thuộc Công ty TNHH phòng khám đa khoa Nhơn Tâm), huyện Nhà Bè, tạm ngưng hoạt động từ ngày 31/5 - 6/6.
Chia sẻ lý do tạm ngưng hoạt động, một phòng khám cho biết do hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo an toàn về sức khỏe của cộng đồng cũng như sức khỏe người lao động nên tạm ngưng nhận bệnh.
Cạnh đó, phòng khám không có test nhanh Covid-19 trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên có nguy cơ lây nhiễm cao...
Đến ngày 3/6, TP. HCM đã lấy mẫu 299.157 người, trong đó 4.241 F1, 294.916 người tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm, liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC), trong số tiếp xúc gần đã có 248 mẫu kết quả dương tính được Bộ Y tế công bố bệnh nhân, 18 trường hợp nghi nhiễm vừa ghi nhận sáng nay, 217 đang chờ kết quả, còn lại âm tính.
Trong 294.916 mẫu xét nghiệm giám sát, ghi nhận 108.226 có kết quả âm tính, 186.690 đang chờ kết quả.
Trong nửa tháng qua, TP. HCM ghi nhận 257 ca Covid-19 (đã được công bố), hiện đứng thứ 4 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch này. Trong đó, ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay, được phát hiện từ ngày 26/5, gồm 265 ca mắc, gồm 248 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố.
Ổ dịch này đã gây nên ba nhánh lây nhiễm từ 20 ca trở lên, ngoài ra còn nhiều nhánh nhỏ hơn khác. 20/22 quận huyện (ngoại trừ quận 11, huyện Cần Giờ) tại TP. HCM và 6 tỉnh miền Nam (gồm Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu) ghi nhận các ca mắc liên quan ổ dịch hội truyền giáo.
Thành phố đã triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm khẩn khi nhận thông tin ca mắc mới. Ngành y tế cũng mở rộng giám sát các hộ gia đình, các khu vực xung quanh nơi ca mắc cư trú hoặc làm việc.
Từ khi Covid-19 xuất hiện đến nay, thành phố ghi nhận 530 bệnh nhân, bao gồm cả người nhập cảnh. Trong đó, 267 ca điều trị khỏi, 262 ca đang điều trị, một ca tử vong ngày 2/6 là "bệnh nhân 5463".
Ngành y tế đang chuẩn bị kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm đợt 3. Hiện, thành phố đã nhận 70.000 liều vắc-xin phòng chống Covid-19 từ chương trình tiêm chủng mở rộng.
TP. HCM tiếp tục tổ chức khai báo y tế cho người về từ các địa phương, khu vực có ca nhiễm, bị giãn cách. Lấy mẫu xét nghiệm giám sát người về từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5. Triển khai giám sát ngẫu nhiên hành khách từ các tỉnh thành khác đến thành phố tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nhiễm.
HCDC nhận định thành phố có thể xuất hiện những ca nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng do dịch bệnh đã âm thầm lây lan.