Bệnh tay chân miệng ở trẻ là căn bệnh thường gặp vào mùa hè và rất dễ lây lan. Vậy, bệnh tay chân miệng là gì? Bệnh tay chân miệng có chữa được không?
Bệnh tay chân miệng ở trẻ là căn bệnh thường gặp vào mùa hè và rất dễ lây lan. Vậy, bệnh tay chân miệng là gì? Bệnh tay chân miệng có chữa được không?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh này dễ lây lan từ người này sang người khác và thường bùng phát vào mỗi dịp mùa hè. Bệnh tay chân miệng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách thì rất dễ để lại các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là một dạng bệnh lây nhiễm và thường gặp nhiều nhất là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh do virus Enterovirus với nhiều loại như coxsackievirus, echovirus…gây ra. Bệnh có 2 thể:
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ do virus coxsackievirus A16 gây ra là một dạng bệnh thể nhẹ, có thể tự khỏi từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ do virus coxsackievirus 71 (EV71) gây ra là dạng bệnh thể nặng, rất nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Dạng bệnh này cũng rất dễ để lại biến chứng như các vấn đề về thần kinh, viêm màng não, viêm não, ảnh hưởng hệ hô hấp.
Những triệu chứng sớm của bệnh tay chân miệng như:
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sẽ sốt khoảng 38-39 độ C, chán ăn, ho, đau bụng và đau họng.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng sau 1 hoặc 2 ngày, các nốt đỏ bắt đầu xuất hiện trong miệng và nhất là quanh lưỡi, lợi, mặt trong của má.
Sau khi các nốt loét trong miệng bắt đầu xuất hiện, người bệnh sẽ thấy nổi những nốt nhỏ màu đỏ trên da của trẻ. Những nốt này có kích thước khoảng từ 2-5mm, ở giữa nốt có màu xám sẫm và có hình bầu dục và thường xuất hiện ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, thỉnh thoảng còn có thể gặp ở mông và háng. Những nốt này thường không gây đau đớn, không gây ngứa và có thể trở thành những mụn nước nhỏ.
Bệnh chân tay miệng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng phác đồ thì sẽ gây những biến chứng hết sức nguy hiểm. Do vậy, xử lý đúng trong giai đoạn sớm ngay khi nghi ngờ mắc bệnh là điều rất quan trọng.
Cha mẹ cần cho trẻ đi tới cơ sở y tế để thăm khám ngay sau khi có các biểu hiện của bệnh tay chân miệng như tổn thương niêm mạc miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện các thủ tục thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết như công thức máu, xét nghiệm kháng thể trong máu, PCR,... để chẩn đoán bệnh chính xác nhất cho trẻ.
Cần thực hiện tốt các biện pháp cách ly đối với người mắc bệnh tay chân miệng. Bởi bệnh tay chân miệng rất dễ lây lan từ người bệnh đến người lành. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng lây lan dịch ra cộng đồng như cho trẻ nghỉ học, hạn chế để trẻ tiếp xúc với mọi người,...
Trong các trường hợp trẻ bị sốt cao thì các bậc cha mẹ có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt cho bé hoặc lau mát trong các trường hợp trẻ bị sốt nhẹ. Ngoài ra, trẻ bị tay chân miệng thường ăn kém hơn do các vết loét ở miệng gây đau miệng, bởi vậy cha mẹ cần chế biến thức ăn mềm, dễ ăn để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải được vệ sinh răng miệng, vệ sinh cơ thể bằng các loại thuốc do bác sĩ chỉ định để chống tình trạng bội nhiễm. Ngoài ra, các vật dụng của trẻ như đồ chơi, quần áo, trải giường,... cũng cần phải được vệ sinh sạch sẽ để có thể vừa phòng chống bội nhiễm vi khuẩn cho trẻ và vừa phòng chống lây bệnh ra cộng đồng.
Trong trường hợp trẻ nhỏ chỉ bị bệnh tay chân miệng mức độ 1 (tức chỉ có tổn thương niêm mạc miệng và vùng da) thì trẻ có thể được cho điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nếu như trẻ có các biểu hiện nặng của bệnh như giật mình, sốt cao liên tục, nôn, quấy khóc, lừ đừ,... thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí tích cực hơn.
Có thể thấy rằng, mặc dù bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể được điều trị khỏi hẳn nếu được phát hiện sớm và xử trí đúng cách. Do đó, nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng thì các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.