Tính riêng khu vực châu Á, lạm phát ở Việt Nam và Indonesia năm 2022 dự kiến sẽ tăng mạnh nhất so với năm 2021 do áp lực giá cả từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá nguyên liệu thô tăng nóng đang đè nặng lên nền kinh tế châu lục.
Tính riêng khu vực châu Á, lạm phát ở Việt Nam và Indonesia năm 2022 dự kiến sẽ tăng mạnh nhất so với năm 2021 do áp lực giá cả từ chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá nguyên liệu thô tăng nóng đang đè nặng lên nền kinh tế châu lục.
Theo cuộc khảo sát mới nhất của Bloomberg về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), số liệu lạm phát của Việt Nam có thể tăng 1,4 điểm % lên 3,45% trong năm nay - dẫn đầu khu vực. Indonesia và Trung Quốc là hai nước xếp sau, với chỉ số CPI dự kiến tăng từ 1,2 đến 1,3 điểm %.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg cho rằng, áp lực giá cả từ việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn và giá nguyên liệu thô tăng nóng đang đè nặng lên nền kinh tế châu Á.
Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu của ngân hàng ANZ cho hay: "Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc được dự báo sẽ chứng kiến lạm phát tăng mạnh vào năm nay… Lạm phát ở châu Á đang bắt kịp xu hướng toàn cầu, năm nay giá cả hàng hóa sẽ trở nên đắt đỏ hơn".
Trong bối cảnh lạm phát leo thang, các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ phải lựa chọn chính sách lãi suất khác nhau. Một số ngân hàng trung ương sẽ tăng cường cuộc chiến chống lạm phát, trong khi số khác chọn hướng tiếp cận từ từ để tranh thủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ở đầu còn lại của khảo sát, Philippines có khả năng sẽ chứng kiến lạm phát giảm mạnh nhất, cụ thể là mất 1,1 điểm % xuống còn 3,2% trong năm 2022. Philippines là một trong 8 nước/vùng lãnh thổ châu Á được khảo sát ghi nhận xu hướng này.
Bernard Aw, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại công ty tín dụng Coface cho biết: "Bây giờ, chúng ta sẽ chờ xem lạm phát thực tế năm nay sai lệch bao nhiêu so với khảo sát".
"Một trong những lo ngại của năm 2022 là áp lực lạm phát có thể phình to, ít nhất là trong nửa đầu năm 2022 do các gián đoạn về chuỗi cung ứng", Aw nhấn mạnh.
Theo cuộc khảo sát, Ấn Độ dự kiến sẽ dẫn đầu khu vực châu Á với mức tăng trưởng 5%, trong khi Nhật Bản được dự báo chậm nhất ở mức 0,7%.