Công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác Giá năm 2021 vừa được tổ chức chiều ngày 30/12.
Báo cáo về công tác điều hành, quản lý giá trong năm 2021, Phó Cục trưởng Đặng Công Khôi cho biết, đến thời điểm hiện nay, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã đảm bảo theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây là năm thứ 6 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 tăng 1,81% so với tháng 12/2020. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2021 tăng 1,84%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 (năm 2016: tăng 2,47%; năm 2017: tăng 3,61%; năm 2018: tăng 3,59%; năm 2019: tăng 2,57%; năm 2020: tăng 3,51%; năm 2021: tăng 1,84%). (Lạm phát mục tiêu Chính phủ đưa ra hiện nay căn cứ vào số liệu CPI bình quân chỉ tiêu khoảng 4%). Mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm, khả năng đứt giảm nguồn cung.
Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. “Lạm phát năm 2021 được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Đến nay có thể khẳng định sẽ đạt ở mức thấp xoay quanh 2% (CPI 11 bình quân 11 tháng đầu năm là 1,84%) là một dấu ấn trong công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19” - Ông Khôi nhấn mạnh.
Trong khi đó, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Cục năm 2021. Tuy nhiên, do tình hình bùng phát dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Bộ về công tác kiểm tra, đến nay Cục Quản lý giá đã kiểm tra 62 đơn vị, chiếm tỷ lệ 41,6% doanh nghiệp được phê duyệt kiểm tra năm 2021.
Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp, đơn vị đã cơ bản nắm bắt và tổ chức triển khai, chấp hành quy định của pháp luật về giá trong đó có kê khai giá, niêm yết giá; các đơn vị đã thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ đúng mức kê khai; và quy định cụ thể về việc thực hiện chính sách chiết khấu thương mại, giảm giá hàng hóa, chiết khấu thanh toán đúng mức đã kê khai.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, trong năm 2022, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan đề ra.
Theo đó, Cục Quản lý giá chú trọng đến các giải pháp sau: Tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng công tác quản lý, điều hành giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và chính phủ đề ra; song song đó tham mưu thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ công và các hàng hóa quan trọng thiết yếu; Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường nhất là đối với các mặt hàng có nguồn cung bị thiếu hụt cục bộ do ảnh hướng của thiên tai, dịch bệnh và các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau Tết.
Chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt háng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, các mặt hàng kê khai giá....Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.