Trong kết quả kinh doanh quý 3/2021 mới được công bố, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi báo khoản lỗ 4,7 tỷ USD trong bối cảnh công ty này đang thực hiện quy trình hủy IPO tại Mỹ và quay về Hồng Kông.
Trong kết quả kinh doanh quý 3/2021 mới được công bố, gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi báo khoản lỗ 4,7 tỷ USD trong bối cảnh công ty này đang thực hiện quy trình hủy IPO tại Mỹ và quay về Hồng Kông.
Theo Bloomberg, Didi là tâm điểm của chiến dịch siết chặt quản lý đối với lĩnh vực công nghệ của Chính phủ Trung Quốc. Nhà chức trách nước này trước đó đã yêu cầu công ty rút khỏi sàn chứng khoán Mỹ do lo ngại lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng mà Didi đang nắm giữ có thể bị chính quyền nước ngoài khai thác. Theo báo cáo chưa kiểm toán, Didi đạt doanh thu 6,6 tỷ USD trong quý 3, giảm từ mức 7,6 tỷ USD của quý trước đó.
Didi, gã khổng lồ gọi xe từng đánh bại Uber ở Trung Quốc, giờ đây đã trở thành ví dụ cho nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kiềm chế sức mạnh của các công ty công nghệ.
DiDi đã thổi bùng cơn giận dữ của Bắc Kinh khi tiến hành chào bán cổ phiếu tại New York trong mùa hè vừa qua, bất chấp các yêu cầu tư phía cơ quan chức năng về việc phải đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu trước khi IPO. Cổ phiếu của Didi giảm hơn 8% tại New York.
Trước những áp lực từ Bắc Kinh, Didi vào tháng trước đã tuyên bố sẽ hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán New York và chuyển sang niêm yết tại Hồng Kông.
DiDi hiện được quản lý bởi đội ngũ Trung Quốc, trong đó có đồng sáng lập Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu – người đã nhận được tổng quyền biểu quyết 58% sau đợt IPO tại Mỹ. SoftBank và Uber lần lượt là những cổ đông thiểu số lớn nhất.
Ngay cả khi DiDi chuyển niêm yết sang Hong Kong, họ cũng sẽ phải giải quyết những lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu, vốn đã được cơ quan giám sát để ý. Công ty sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát dữ liệu của mình và chuyển cho bên thứ ba.
Sự bất ổn về quy định vừa làm tăng chi phí kinh doanh của Didi, vừa tạo điều kiện cho các đối thủ như Meituan lấn sân sang thị phần của mình. Didi báo lỗ ròng 30,4 tỷ nhân dân tệ trong quý 3, giảm so với mức lãi 665 triệu một năm trước đó.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, Didi cho biết cổ phiếu lưu ký tại Mỹ của công ty có thể được hoán đổi thành cổ phiếu giao dịch tự do trên một sàn giao dịch chứng hoán được quốc tế công nhận. Công ty dự kiến tổ chức một cuộc họp cổ đông và bỏ phiếu về vấn đề này.
Trong năm qua, Chính phủ Trung Quốc có hàng loạt động thái siết quản lý đối với các hãng công nghệ khổng lồ. Cuối năm ngoái, IPO của Ant Group – công ty công nghệ tài chính của tập đoàn Alibaba, đã bị đình chỉ ngay trước thềm lên sàn. Bắc Kinh sau đó đưa ra hàng loạt các quy định mới từ siết chặt luật chống độc quyền trên các nền tảng internet cho tới luật bảo vệ dữ liệu. Cả Alibaba, công ty giao đồ ăn Meituan cùng nhiều hãng công nghệ khác đều phải lĩnh án phạt.
Chính quyền ông Tập Cận Bình mong muốn thúc đẩy tầm nhìn về việc chia sẻ sự giàu có hay "thịnh vượng chung" – kế hoạch hướng tới lĩnh vực công nghệ vốn đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ bằng các hoạt động được cho là nằm ngoài sự kiểm soát của pháp luật. Lĩnh vực này đã tạo ra lượng tỷ phú chưa từng có và làm giàu cho các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước.
Việc tư nhân hóa do nhà nước chỉ đạo là điều chưa từng có đối với một công ty tầm cỡ như DiDi, một lần nữa nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc cắt giảm quyền lực của các công ty công nghệ. Đồng thời mong muốn kiểm soát được khối dữ liệu khổng lồ mà các công ty này tích lũy được trong suốt hơn một thập kỷ qua.