Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19 trên khắp châu Âu đang làm dấy lên lo ngại rằng đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế khu vực trong những tháng gần đây có thể bị phá hỏng trong mùa đông này.
Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19 trên khắp châu Âu đang làm dấy lên lo ngại rằng đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế khu vực trong những tháng gần đây có thể bị phá hỏng trong mùa đông này.
Đến hiện tại, làn sóng Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế tại 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do IHS Markit thực hiện - một thước đo chủ chốt về các hoạt động kinh tế ở châu Âu - đã tăng trở lại trong tháng 11, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong tháng 10.
Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế khu vực đang xấu đi. Nước Áo mới đây bước vào đợt phong toả thứ tư kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca nhiễm mới tăng vọt ở Đức cũng khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải tính đến khả năng phải phong toả trở lại, sau khi một loạt hạn chế đã được tái áp dụng.
“Hoạt động kinh tế tăng lên ở châu Âu trong tháng 11 là điều trái ngược với dự báo của các chuyên gia kinh tế về sự giảm tốc của nền kinh tế khu vực. Nhưng Eurozone khó tránh được suy giảm tăng trưởng trong quý 4 này, nhất là khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao có thể gây nhiều gián đoạn kinh tế trong tháng 12”, chuyên gia kinh tế trưởng Chris Williamson của IHS Markit nhận định.
Theo Uỷ ban châu Âu (EC), niềm tin người tiêu dùng trong khu vực Eurozone đã “giảm đáng kể” trong tháng 11. IHS Markit nói rằng trong tháng này, kỳ vọng của các doanh nghiệp trong khu vực về sản lượng kinh tế tương lai tới đã “tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021”.
Với một góc nhìn tương đối lạc quan, chuyên gia kinh tế Ruben Segura-Cayuela thuộc Bank of America cho rằng cần phải có thêm dữ liệu để đánh giá xem các biện pháp chống Covid-19 ở châu Âu sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế khu vực. Ông nói sau mỗi làn sóng lây nhiễm Covid-19, ảnh hưởng kinh tế lại giảm bớt vì doanh nghiệp và người tiêu dùng học được cách thích nghi tốt hơn với bệnh dịch.
“Chúng ta đều biết là sẽ có ảnh hưởng, chỉ chưa biết là ảnh hưởng sẽ ở mức độ như thế nào thôi”, ông Segura-Cayuela nói. “Dựa vào những gì đã chứng kiến trong mấy tháng qua, chúng tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ giảm xuống”.
Nền kinh tế châu Âu đã chịu tác động nặng nề bởi đại dịch trong năm 2020. Sản lượng kinh tế của Eurozone giảm 6,3% trong năm ngoái, so với mức giảm 3,4% ở Mỹ. Tuy nhiên, khu vực này đã phục hồi mạnh trong những tháng gần đây cùng với sự gia tăng của tỷ lệ tiêm chủng. Trong quý 3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Eurozone tăng 2,2% so với quý 2.
Tình hình sắp tới sẽ tuỳ thuộc vào diễn biến Covid-19 ở Đức – theo chuyên gia kinh tế Jessica Hinds của Capital Economics. Bà Hinds nhận định không có gì đáng ngạc nhiên nếu kinh tế châu Âu rơi vào trì trệ cuối năm nay trong trường hợp Đức phải phong toả.
Bắt đầu từ tuần trước, người lao động ở Đức phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, chứng chỉ tiêm vaccine, hoặc bằng chứng đã từng nhiễm SARS-CoV-2 và đã khỏi bệnh để có thể đến công ty làm việc. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này và cũng không thể làm việc ở nhà, người lao động có thể bị cắt lương. Ngoài ra, từ cuối tuần vừa rồi, thủ đô Berlin ra quy định không cho người chưa tiêm vaccine vào khách sạn, nhà hàng, quán bar và các cửa hàng trừ cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc. Hôm 25/11, Đức ghi nhận gần 75.000 ca nhiễm mới, con số kỷ lục ở nước này.
Ngành sản xuất của Đức hiện vẫn đang chịu nhiều áp lực do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp tục gây khó khăn cho các hãng sản xuất ô tô và doanh nghiệp khác. Pháp cũng có thể công bố thêm các hạn chế chống Covid-19 khi số ca nhiễm mới hàng ngày gần đây đã vượt mốc 30.000 ca, cao nhất kể từ đầu tháng 8. Giới chức Pháp dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp mới vào ngày mai.
Ngoài làn sóng Covid-19, kinh tế châu Âu còn bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc kinh tế ở Trung Quốc, lạm phát tăng và cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng - nhân tố có thể đẩy chi phí gia tăng đối với các doanh nghiệp và khiến các hộ gia đình phải chi nhiều hơn cho việc sưởi ấm trong mùa đông năm nay, dẫn tới hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng khác.
Ông Segura-Cayuela nói rằng có một tin tốt là một vài nhân tố tích cực của sự phục hồi kinh tế châu Âu vẫn đang được duy trì. Chẳng hạn, lượng tiền tiết kiệm lớn tích luỹ trong giai đoạn đầu của đại dịch đang giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát đối với thu nhập của người dân. “Hiện vẫn còn những động lực của sự mở cửa trở lại, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn”, ông nói.