Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước ASEAN đã thông qua tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến sáng 1/10/2021. Theo đó, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị này vào năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục các nước ASEAN đã thông qua tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 5, diễn ra theo hình thức trực tuyến sáng 1/10/2021. Theo đó, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị này vào năm 2022.
VnMedia trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung (đã được dịch ra Tiếng Việt):
1. Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 5 đã được tổ chức trực tuyến vào ngày 1/10/2021 cùng với Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á lần thứ 5. Trước đó, vào ngày 30/9/2021, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN+3 về Giáo dục lần thứ 11 cũng đã được tổ chức.
2. Hội nghị do bà Leonor Magtolis Briones, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Philiipines và bà Yoo Eun-hae, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng và đại diện phụ trách Giáo dục của Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham dự của Ban Thư ký ASEAN, Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) và Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO).
3. Chúng tôi chúc mừng Việt Nam và Trung Quốc sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 năm 2022 và 2023, cũng như kỳ vọng vào mối quan hệ đối tác bền chặt hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc theo hướng dẫn của Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giáo dục giai đoạn 2018-2025.
4. Chúng tôi ủng hộ chủ đề của nước Chủ tịch Philippines: “Chuyển đổi giáo dục theo hướng ASEAN: Kết nối những mối quan hệ đối tác trong thời gian khủng hoảng toàn cầu”. Chúng tôi ghi nhận những tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 đối với các hệ thống giáo dục quốc gia và hợp tác giáo dục trong khu vực.
5. Chúng tôi tái khẳng định vai trò của hợp tác ASEAN+3 trong việc giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với giáo dục. Đồng thời, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ và đóng góp của các nước Cộng ba đối với các quốc gia thành viên ASEAN và các sáng kiến của ASEAN về giáo dục. Những hỗ trợ và đóng góp đó bao gồm: (1) thông qua và triển khai Kế hoạch hành động ASEAN+3 giai đoạn 2018-2025; (2) tổ chức thành công Hội nghị Nhóm công tác về trao đổi học sinh, sinh viên và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học giữa các nước ASEAN+3 lần thứ 8; (3) chấp thuận của Nhóm công tác ASEAN+3 đối với hướng dẫn về cung cấp thông tin trực tuyến nhằm thúc đẩy trao đổi học sinh, sinh viên trong khu vực ASEAN+3;
6. Để đẩy nhanh sự hợp tác giữa các khu vực ASEAN+3 và cộng đồng giáo dục đại học ở Châu Á, chúng tôi ủng hộ việc mở rộng Campus Asia (Chương trình hành động cho sự dịch chuyển của sinh viên đại học ở Châu Á) bắt đầu từ năm tài chính này, đối với các quốc gia tham gia từ các nước +3.
7. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những tiến bộ thực chất đã đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giáo dục giai đoạn 2018-2025. Chúng tôi tuyên dương sự hợp tác và cam kết không ngừng của các nước ASEAN+3 nhằm dẫn dắt các dự án và hoạt động trong Kế hoạch hành động.
8. Chúng tôi nhấn mạnh lại sự cần thiết của một môi trường mang tính thích ứng và thuận lợi có trang bị các công cụ hỗ trợ, qua đó tạo điều kiện cho việc trao đổi học sinh, sinh viên với chất lượng đảm bảo giữa các quốc gia ASEAN+3. Về vấn đề này, chúng tôi mong muốn thông qua Hướng dẫn về cung cấp thông tin trực tuyến nhằm thúc đẩy trao đổi học sinh, sinh viên trong khu vực ASEAN+3 và hoàn thiện Hướng dẫn chung ASEAN+3 về quy định thể chế cho các phương thức giáo dục đại học mới trong khu vực ASEAN+3.
9. Để đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực giữa các khuôn khổ hợp tác giáo dục ASEAN, chúng tôi nhấn mạnh lại tầm quan trọng của sự thống nhất giữa các hoạt động thuộc Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giáo dục giai đoạn 2018-2025 và Kế hoạch hành động ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025 được thông qua gần đây.
10. Chúng tôi hoan nghênh đóng góp của các học bổng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Theo đó, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Chương trình học bổng lãnh đạo trẻ ASEAN-Trung Quốc. Kể từ năm 2019, Chương trình đã mang lại lợi ích cho các học giả, chuyên gia và quan chức chính phủ cấp cao thông qua các học bổng và sáng kiến nâng cao năng lực.
11. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của Hàn Quốc về Học bổng giáo dục đại học cho nhân tài ASEAN (HEAT). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Học bổng đã mở rộng thêm chuyên ngành/chương trình liên quan đến y tế và sức khỏe công cộng. Đồng thời, chúng tôi ghi nhận sự hỗ trợ của Hàn Quốc đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng nghề thông qua Chương trình trao đổi ASEAN-Hàn Quốc đang được thực hiện.
Chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ lâu dài của chính phủ Hàn Quốc đối với việc học tập trực tuyến thông qua Dự án Đại học mạng ASEAN. Chúng tôi kỳ vọng ở sự mở rộng của Dự án và sự đi vào hoạt động của Đại học ASEAN trên cơ sở khóa học trực tuyến đại chúng mở.
12. Để thúc đẩy kết nối giữa con người với con người, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng giữa các dân tộc ASEAN, chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của chính phủ Nhật Bản đối với các chương trình trao đổi và học bổng nhằm thúc đẩy sự dịch chuyển của sinh viên như học bổng MEXT, Dự án ASIA KAKEHASHI và Chương trình trao đổi khoa học Sakura cũng như việc thành lập ASEAN Corner.
Chúng tôi cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc thúc đẩy các SDG giữa các nước ASEAN+3 thông qua các chương trình khu vực về Giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) như Giải thưởng SEAMEO-Japan ESD, Chương trình UNESCO về ESD và EDU-Port Japan.
13. Chúng tôi giữ vững cam kết và mong muốn sự phối hợp giữa các nước ASEAN+3, Mạng lưới các trường đại học ASEAN và các chủ thể liên quan được duy trì trong các chương trình và sáng kiến đóng góp vào kết quả dự kiến của Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giáo dục giai đoạn 2018-2025 và Kế hoạch hành động ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025.
14. Chúng tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Philippines về vai trò chủ tịch hiệu quả và những sắp xếp tuyệt vời đã được thực hiện trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 5, cũng như Ban Thư ký ASEAN đã hỗ trợ kỹ thuật cho Hội nghị.
15. Chúng tôi nhất trí gặp lại nhau vào năm 2022 tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 6 do Việt Nam làm Chủ tịch.