Các bác sĩ đã phải thay huyết tương cấp cứu ngay bệnh nhân trong đêm do tình trạng viêm tuỵ cấp. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có thể tử vong nhanh.
Các bác sĩ đã phải thay huyết tương cấp cứu ngay bệnh nhân trong đêm do tình trạng viêm tuỵ cấp. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có thể tử vong nhanh.
Các bác sĩ BV Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vừa cấp cứu nam bệnh nhân 40 tuổi vào viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị, bụng chướng, kết quả CT ổ bụng: viêm tụy cấp bathazal D, xét nghiệm triglyceride máu tăng cao: >55 mmol/L (trong khi người bình thường là 0-2,3 mmol/L), máu lấy ra trắng đục như sữa. Lập tức bệnh nhân được chỉ định thay huyết tương cấp cứu ngay trong đêm.
Bệnh nhân được thực hiện thay huyết tương. Hiện tại, sau thay huyết tương bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực, không còn đau bụng, triglyceride trong máu giảm. Bệnh nhân có tiền sử uống nhiều rượu, xơ gan, viêm gan gan virus C.
TS. Đỗ Thanh Hòa - Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108 cũng cho biết tỷ lệ người trẻ bị tăng triglycerid dẫn tới viêm tuỵ cấp đang ngày càng tăng. Bệnh viện từng tiếp nhận một bệnh nhân chỉ 26 tuổi đến cấp cứu trong tình trạng viêm tụy cấp do tăng triglyceride rất cao. Trước đó, bệnh nhân này khoẻ mạnh, không có tiền sử bệnh.
Bệnh nhân thấy đau thượng vị nên vào khám. Các bác sĩ tại cấp cứu nhận định bệnh nhân có tình trạng viêm tụy cấp. Mẫu máu xét nghiệm huyết tương “đục như sữa”.
Xét nghiệm men tụy tăng cao và đặc biệt triglyceride máu lên tới 102 mmol/l. Đây là mức rất cao bởi mức triglycerid của người bình thường chỉ dao động khoảng 1,2 đến 2,2 mmol/l. Bệnh nhân đã được điều trị kịp thời bằng truyền dịch, giảm tiết, thay huyết tương.
Theo TS Hoà, viêm tụy cấp là sự khởi phát viêm đột ngột nhu mô tụy với diễn biến bệnh cảnh có thể từ nhẹ đến nặng. Hậu quả có thể làm tổn thương tại chỗ, có thể gây hội chứng đáp ứng viêm toàn thân và suy đa tạng.
Bệnh thường xuất hiện đột ngột với đau thượng vị liên tục hoặc đau vùng hạ sườn trái có thể lan ra sau lưng, ngực hoặc sườn, có buồn nôn và nôn, sốt. Viêm tụy cấp là nguyên nhân hàng đầu về bệnh lý tiêu hóa cần phải nhập viện và đứng thứ 21 trong danh sách các bệnh cần nhập viện.
Tỉ lệ viêm tụy cấp hàng năm từ 15,9 - 36,4 trên 100 nghìn người dân, gánh nặng của viêm tụy cấp đối với nền y tế vẫn có xu hướng tăng theo thời gian.
Bất chấp sự cải thiện về việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, chẩn đoán hình ảnh và can thiệp, tỉ lệ mắc và tử vong do viêm tụy cấp vẫn còn cao, với tỉ lệ tử vong là 5 - 17% ở viêm tụy cấp nặng và 1,5% ở viêm tụy cấp nhẹ.
Viêm tụy cấp do rượu là phổ biến hơn ở nam giới, trong khi viêm tụy cấp do sỏi mật phổ biến hơn ở nữ giới. viêm tụy cấp hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi < 35 và nam giới trong độ tuổi từ 35 đến 54.
Viêm tụy cấp do tăng triglycerid có tỉ lệ 1% - 4% các trường hợp. Tăng triglyceride máu gây ra viêm tụy cấp là do sự thủy phân của các lipoprotein giàu triglyceride, làm giải phóng lượng lớn các axit béo tự do từ đó gây tổn thương nội mô mạch máu và tế bào đảo tụy.
Thương tổn này gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, dẫn đến chuyển hóa yếm khí, nhiễm acid và gây độc tế bào. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy đa tạng và tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo thay đổi lối sống và chế độ ăn là các biện pháp cần thiết trong điều trị tăng triglyceride máu nặng. Giảm cân và chế độ ăn giảm lipid máu có liên quan với cải thiện các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch và nguy cơ bệnh tim mạch.
Do đó, các bệnh nhân tăng triglyceride máu nặng nên được tư vấn giảm ăn chất béo, chiếm 15-20% tổng năng lượng nhập mỗi ngày (cả chất béo không bão hòa và bão hòa).
Các bệnh nhân đề kháng insulin và đái tháo đường nên tránh các thức ăn và thức uống nhiều đường. Lượng fructose nhập mỗi ngày không hơn 50 mg để tránh tăng nồng độ triglyceride huyết tương so với các loại đường khác.
Một tuần, bác sĩ khuyến nghị nên ăn ít nhất 2 khẩu phần hải sản giàu axit béo omega-3 (như cá hồi). Tiết chế rượu, giảm cân và hoạt động thể lực là các biện pháp điều trị cần thiết. Tất cả bệnh nhân cần ngưng hút thuốc lá.