Những ngày qua, cổ phiếu PGT của Công ty CP PGT Holdings tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu đang đối lập với bức tranh kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp này.
Những ngày qua, cổ phiếu PGT của Công ty CP PGT Holdings tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu đang đối lập với bức tranh kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp này.
Những phiên giao dịch cuối tháng 8 vừa qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự tăng/giảm mạnh của VN-Index. Cùng với đó là sự tăng/giảm giá của các nhóm cổ phiếu. Những tháng trước đó, hầu hết nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt nhóm cổ phiếu ngành thép tăng mạnh đã khiến thị trường thêm sôi động.
Những ngày qua, trên sàn HNX, cổ phiếu PTG của Công ty CP PGT Holdings gây ấn tượng mạnh khi liên tục tăng trần từ ngày 26/8 - 10/9. Chỉ sau 2 tuần giao dịch, thị giá PGT tăng thêm 148%, từ 5.000 đồng/cp lên mức giá 12.400 đồng.
Phiên đầu tuần hôm nay, PGT giao dịch quanh ngưỡng 13.600 đồng, tiếp tục đà tăng mạnh mẽ của mình.
Nhìn lại quá khứ, PGT cũng từng gây chấn động khi tăng hơn 166% chỉ trong hai tháng đầu năm. Tuy nhiên, cổ phiếu này nhanh chóng lao dốc sau khi HNX thông báo về khả năng bị hủy bỏ niêm yết do Công ty TNHH PKF Việt Nam – Chi nhánh TP. HCM đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược đối với Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2020 của Công ty vào ngày 7/4 năm nay.
Công ty kiểm toán đưa ra ý kiến trái ngược bởi PGT thông báo không thể tiếp cận được BCTC của BMF MicroFinance (công ty con tại Myanamar) do tình hình dịch bệnh và chính trị nước này. Việc không hợp nhất BMF theo phía kiểm toán sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trọng yếu của BCTC.
Trong BCTC hợp nhất quý 4/2020 do PGT Holdings tự lập, công ty này ghi nhận doanh thu thuần gần 5,3 tỷ đồng, giảm 7,6% so với năm trước, lãi sau thuế gần 1,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong BCTC đã kiểm toán, năm 2020, PGT chỉ ghi nhận vỏn vẹn 325 triệu đồng doanh thu thuần, khác xa con số 5,3 tỷ công ty công bố. Chi phí tài chính trong năm ghi nhận 12,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 735 triệu đồng năm ngoái do ghi nhận khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn 12,3 tỷ đồng. Kết quả, PGT ghi nhận lỗ 11,4 tỷ đồng, trái ngược hẳn với con số kinh doanh có lãi mà PGT ghi nhận trước đó.
Giai đoạn sau đó, PGT khá im ắng trên thị trường khi chỉ dao động quanh vùng 4.000 - 5.000 đồng/cp, với khối lượng giao dịch chỉ vài nghìn đơn vị trong phiên.
Tới ngày 18/6, HNX chính thức thông báo đưa cổ phiếu PGT vào diện kiểm soát kể từ ngày 24/6/2021.
Đà tăng mạnh mẽ gần đây của PGT xuất hiện sau thông tin 384.196 cổ phiếu quỹ doanh nghiệp này sẽ được mở bán kể từ ngày 09/08/2021 đến ngày 07/09/2021. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh Chi, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng tại PGT không bán ra bất cứ cổ phiếu nào trong số 1.276.201 đơn vị đăng ký trước đó (tỷ lệ 14,41%). Lý do là bà Chi không còn nhu cầu thoái vốn khỏi công ty.
Căn cứ số liệu từ báo cáo hợp nhất bán niên do PGT tự công bố, công ty ghi nhận doanh thu thuần vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng nửa đầu năm nay, chỉ bằng 22% số liệu cùng kỳ năm 2020. Sau khi khấu trừ chi phí, LNST 6 tháng đầu năm là 437 triệu đồng, chỉ bằng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng quý 2/2021, PGT báo lãi ròng 1,3 tỷ, gấp 3 lần so với con số 454 triệu đồng của quý 2/2020. Lý do chủ yếu đến từ việc giảm mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp xuống còn 2,6 tỷ (so với 10,3 tỷ cùng kỳ 2020).
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận này không thấm thoát vào đâu bởi kết quả kinh doanh thua lỗ từ những năm trước khiến PGT lỗ lũy kế hơn 56,4 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 2/2021, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ có 92 tỷ đồng. ROE nửa đầu năm đạt 1.14, mức khá thấp so với cùng ngành. P/E cơ bản quý 2 đạt -22.15.
Bên cạnh đó, việc dòng tiền thuần từ kinh doanh âm 6,2 tỷ trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy tín hiệu rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này đang có vấn đề. Nói cách khác, PGT Holdings đang phải dùng tiền đi vay để bù đắp cho những thua lỗ trong hoạt động kinh doanh chính.
Tuy nhiên, BCTC bán niên 2021 do PGT công bố tồn tại một số vấn đề cần phải xem xét như: số liệu trong bảng báo cáo KQHĐKD (đối chiếu giai đoạn 1/1/2020 - 30/06/2020) chênh lệch rất lớn so với số liệu trong BCTC bán niên 2020 được soát xét; chi phí tài chính nửa đầu năm âm 2,7 tỷ (tuy không thể hiện trong bảng thuyết minh, nhưng có thể là do hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư); lợi nhuận trước thuế trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ không khớp với số liệu từ báo cáo KQHĐKD;...
Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích nội dung này trong kỳ sau.
PGT tiền thân là Công ty TNHH Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex được hình thành dựa trên vốn góp của các công ty thành viên thuộc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với số vốn điều lệ ban đầu là 31.8 tỷ đồng. Trải qua 2 lần tăng vốn, vốn điều lệ của PGT hiện hơn 92 tỷ đồng.
Năm 2015, Petrolimex thoái vốn khỏi PGT, một số nhà đầu tư Nhật Bản đã hợp tác và đầu tư vào PGT. Năm 2016, PGT hoàn thành quá trình chuyển giao, thành lập ban HĐQT mới và chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực M&A. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam trong giai đoạn này.
Cùng năm 2016, PGT đã thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Đại Phát chuyên kinh doanh lĩnh vực cung ứng nguồn lao động và Công ty TNHH Vina Terrace Hotel chuyên lĩnh vực khách sạn và đầu tư.
Sau đó, PGT góp vốn vào một doanh nghiệp tại Myanmar là Công ty TNHH BMF Microfinance (BMF) chuyên về lĩnh vực tài chính.