Lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để có thể kết nối với các tỉnh, thành phố nhằm tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cao nhất.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để có thể kết nối với các tỉnh, thành phố nhằm tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cao nhất.
Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 chỉ rõ tới năm 2025, Hà Nội sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa và GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD…
Để đạt được các mục tiêu này, TP. Hà Nội cần đặt ra 3 khâu đột phá. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành Hà Nội, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh, củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị, tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển. Xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, hiệu quả kinh tế xã hội hiệu quả hơn việc đầu tư các tuyến đường trong nội thành rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.
Nêu việc dự thảo có 303 nhiệm vụ giao các sở ngành, quận huyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các nhiệm vụ này phải rõ ràng hơn, tập trung vào thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy.
Theo định hướng quy hoạch, tuyến Vành đai 4 có chiều dài khoảng 98 km đi qua 3 tỉnh, thành phố gồm 56,5 km Hà Nội, đi qua 7 quận, huyện, 20,3 km tại Hưng Yên và 21,2 km trên địa phận Bắc Ninh. Trong đó, các đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội do UBND TP. Hà Nội lập dự án đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện đầu tư.
Nhu cầu vốn đầu tư toàn tuyến khoảng 66.500 tỷ đồng, không bao gồm kinh phí xây dựng các cầu vượt trực thông của các tuyến đường đang lập quy hoạch và sẽ được đầu tư xây dựng theo nguồn vốn của dự án này.
Đây là tuyến đường kết nối quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Thủ đô, gắn phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông đô thị và có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế các tỉnh trong vùng Thủ đô.