Dự kiến 10 năm tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 640 km đường cao tốc được đầu tư đưa vào khai thác.
Dự kiến 10 năm tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 640 km đường cao tốc được đầu tư đưa vào khai thác.
Theo đó, ngoài 2 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được triển khai xây dựng thì có tới hàng loạt tuyến cao tốc khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang được Bộ GTVT đưa vào dự thảo quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ có 2 tuyến cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thuộc cao tốc Bắc - Nam từ Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau được đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng, bao gồm: tuyến Cần Thơ - Bạc Liêu dài 76km, TMĐT: 18.687 tỷ đồng; tuyến Bạc Liêu - Cà Mau dài 48km, TMĐT: 11.145 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 3 tuyến cao tốc khác được quy hoạch đầu tư trong trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: tuyến Mỹ An - Cao Lãnh dài 26km, TMĐT: 4.524 tỷ đồng; tuyến An Hữu - Cao Lãnh dài 30km, TMĐT: 5.998 tỷ đồng; tuyến hâu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 180km, 31.483 tỷ đồng.
Tiếp đến, trong giai đoạn 2025-2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch để đầu tư xây dựng thêm 2 tuyến cao tốc khác, bao gồm: tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh dài 107km, TMĐT: 5.380 tỷ đồng; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 100km, TMĐT: 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, trường hợp được cấp thẩm quyền bố trí đủ vốn và đầu tư xây dựng theo đúng lộ trình đề ra là tới năm 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 640km đường cao tốc.
Theo dự thảo quy hoạch đường bộ của Bộ GTVT khoảng 10 năm tới, cả nước sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc được đưa vào khai thác, trong đó tới năm 2025 xây mới khoảng 2.542km, tới năm 2030 xây mới khoảng 1.339km.
Bên cạnh đó, cũng sẽ đầu tư và nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu đáp ứng nhu cầu vận tải, nhất là tuyến kết nối liên vùng, trung tâm các tỉnh, thành phố và các cửa khẩu quốc tế, các tuyến nối với đầu mối vận tải lớn như cảng biển, cảng đường thủy nội địa, cảng hành không sân bay và các ga đường sắt, ưu tiên các tuyến chưa có cao tốc song hành.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Bắc - Nam nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải. Trước mắt, chỉ tập trung đầu tư hoàn chỉnh đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An và đoạn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được nhấn mạnh.