Tập đoàn Alibaba đang chuẩn bị chốt thương vụ đầu tư lớn đầu tiên, đây được cho là động thái mới nhất kể từ khi “gã khổng lồ” công nghệ này lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD hồi tháng 4.
Tập đoàn Alibaba đang chuẩn bị chốt thương vụ đầu tư lớn đầu tiên, đây được cho là động thái mới nhất kể từ khi “gã khổng lồ” công nghệ này lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD hồi tháng 4.
Liên minh giữa Alibaba và chính quyền tỉnh Giang Tô đang tiến tới đạt thỏa thuận mua lại cổ phần tại đế chế bán lẻ Suning.com của tỷ phú Zhang Jindong. Thương vụ này sẽ bổ sung thêm vào 20% cổ phần mà Alibaba đang nắm giữ tại Suning - một trong những hãng bán lẻ đồ gia dụng, điện tử và hàng tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc với vốn hóa gần 8 tỷ USD.
Thương vụ đánh dấu sự trở lại của Alibaba sau loạt sóng gió, trong đó có khoảng phạt 2,8 tỷ USD vì vi phạm quy định chống độc quyền, khiến đế chế của tỷ phú Jack Ma có quý lỗ đầu tiên trong 9 năm.
Theo các nhà phân tích, việc tăng đầu tư vào Suning giúp Alibaba tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ truyền thống. Bên cạnh đó, việc hợp tác với chính quyền tỉnh Giang Tô cho thấy Jack Ma cũng như đế chế của ông đã sẵn sàng trở lại với các thương vụ đầu tư sau thời gian im hơi lặng tiếng.
Ông Michael Norris, nhà phân tích công nghệ của công ty nghiên cứu thị trường AgencyChina có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Nếu thương vụ được triển khai, nó cho thấy Alibaba không để những rào cản pháp lý cản trở tham vọng chiến lược hay các cơ hội đầu tư của mình. Giá trị chiến lược tiềm năng của các cửa hàng, trung tâm phân phối và trung tâm giao vận điểm cuối của Suning ngày càng rõ ràng với Alibaba khi tập đoàn này phát triển theo hướng đa kênh”.
Thương vụ này có thể sẽ cần được Cơ quan nhà nước về quản lý thị trường Trung Quốc phê duyệt. Đây là cơ quan đã ra án phạt 2,8 tỷ USD đối với Alibaba do không công bố đầy đủ thông tin về khoản đầu tư vào Intime Retail Group Co trong quá khứ. Án phạt nằm trong cuộc điều tra chống độc quyền lớn hơn nhằm vào đế chế thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.
Ngoài hoạt động kinh doanh độc quyền, Bắc Kinh tỏ ra quan ngại về quyền lực của Alibaba trong lĩnh vực truyền thông và muốn tập đoàn này rút vốn hỏi các tài sản truyền thông đang nắm giữ, bao gồm tờ báo tiếng Anh South China Morning Post.
Bên cạnh đó, công ty liên kết của Alibaba, hãng công nghệ tài chính Ant Group, cũng đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp “đau đớn” theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, trở thành một công ty tài chính giống với ngân hàng.
Theo nguồn tin trên, thương vụ đầu tư vào Suning dự kiến được công bố sớm nhất trong tuần này. Sau thương vụ, Zhang, người sáng lập của Suning, sẽ không còn nắm quyền kiểm soát công ty.
Thời gian qua, Zhang đã liên tiếp đưa công ty này mở rộng sang nhiều lĩnh vực, trong đó có việc mua lại đội bóng Inter Milan của Italy. Việc mở rộng nhanh chóng làm dấy lên những lo ngại về khả năng thanh khoản của tập đoàn, đặc biệt là sau khi Zhang quyết định từ bỏ quyền nhận thanh toán từ nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới - China Evergrande Group hồi tháng 9/2020.
Trước Sunning, Alibaba cũng đầu tư vào hãng bán lẻ Sun Art Retail Group và hiện là cổ đông kiểm soát tại công ty này với cổ phần 13,7%. Với các khoản đầu tư liên tiếp vào lĩnh vực bán lẻ truyền thống, Alibaba sẽ cạnh tranh gay gắt với các đối thủ như chi nhánh tại Trung Quốc của Walmart (hiện giữ vị trí thứ 4 với 9,3% thị phần, theo dữ liệu năm 2020 của Euromonitor).
Suning có trụ sở tại Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô - cách trụ sở chính của Alibaba tại Hàng Châu khoảng 3 giờ lái xe. Đây vẫn là một trong những tập đoàn có ảnh hưởng nhất hiện nay tại Trung Quốc kể cả sau chiến dịch siết chặt giám sát của Bắc Kinh. Trên thị trường bán lẻ truyền thống, Suning phủ sóng khắp Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực phía đông. Suning hiện là hãng bán lẻ lớn thứ 5 tại Trung Quốc với 4,4% thị phần.
Alibaba và Suning từ lâu đã có quan hệ liên minh khi đã cùng hợp tác trong nhiều lĩnh vực từ hậu cần cho tới bán hàng trực tuyến. Năm 2015, Alibaba đầu tư 4,6 tỷ USD mua 20% cổ phần của Suning. Đổi lại, Suning mua 1,1% cổ phần của Alibaba với giá 2,3 tỷ USD. Từ đó đến nay, cổ phiếu Suning đã tăng khoảng 60%, trong khi giá cổ phiếu Alibaba tăng gấp đôi.
Việc hợp tác với Suning và các hãng bán lẻ truyền thống khác nằm trong kế hoạch xây dựng một đế chế bán bán lẻ với trải nghiệm bán hàng liền mạch từ trực tuyến đến trực tiếp của Alibaba, với chiến lược mà tập đoàn này gọi là “Bán lẻ kiểu mới”.
CEO Daniel Zhang của Alibaba xem việc mở rộng sang bán lẻ truyền thống và kinh doanh thực phẩm là một trong những nền tảng chính trong chiến lược tăng trưởng của tập đoàn công ty và nỗ lực này đã được đền đáp trong đại dịch Covid-19. Mảng Bán lẻ kiểu mới đã mang về 25,6 tỷ USD cho Alibaba, chiếm 20% tổng doanh thu của tập đoàn này trong năm tài chính kết thúc vào quý 3/2021.
Tăng cường đầu tư vào Suning cũng có thể giúp Alibaba ứng phó với cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ JD.com - hãng bán lẻ trực tuyến được Tencent đầu tư, chuyên về đồ điện tử và gia dụng. JD cũng đang đẩy mạnh mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống với kế hoạch xây dựng 300 cửa hàng đồ gia dụng tại các thành phố cấp 2 và cấp 3 tại Trung Quốc, cùng với 5.000 cửa hàng tại các thị trấn và làng mạc nhỏ hơn vào năm 2025.
“Alibaba đã nắm giữ 20% cổ phần của Suning.com và hai công ty đang hợp tác để phát triển các phương thức mua sắm hàng điện tử tiêu dùng mới dành cho người tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục. Việc gia tăng cổ phần tại Suning.com có thể tạo điều kiện cho những hợp tác như vậy và nâng cao thị phần bán lẻ trực tuyến của Alibaba đối với mặt hàng điện tử tiêu dùng - mảng mà công ty này đang theo sau JD.com”, nhà phân tích cấp cao Catherine Lim của Bloomberg Intelligence cho biết.