Không chỉ Bayan Resources, cổ phiếu của các công ty khai thác than ở Indonesia đều tăng mạnh trên diện rộng, giúp nhiều ông trùm ngành than trở nên giàu có hơn.
Không chỉ Bayan Resources, cổ phiếu của các công ty khai thác than ở Indonesia đều tăng mạnh trên diện rộng, giúp nhiều ông trùm ngành than trở nên giàu có hơn.
Trước khi đại dịch bắt đầu, ông trùm ngành than Indonesia Low Tuck Kwong đã không thành công khi cố gắng bán cổ phần trong công ty khai thác than PT Bayan Resources ở Indonesia của mình. Vì không thể tìm được người mua phù hợp, ông đã quyết định nhân đôi tiền cược, mua thêm cổ phần thay vì bán chúng.
Vụ đặt cược đó của ông đã được đền đáp. Cổ phiếu của PT Bayan Resources đã tăng hơn gấp đôi kể từ thời điểm đó, đưa ông Low trở thành một trong những người giàu nhất trong ngành công nghiệp này, theo Bloomberg Billionaires Index. Số cổ phần của ông hiện chiếm 61% và có trị giá 6,1 tỷ USD.
"Rất đơn giản, nếu tôi không thể bán một phần cổ phần của mình, tốt hơn hết là tôi nên mua nhiều hơn", ông Low nói trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi từ Jakarta hồi tháng 3 khi ông vừa mua thêm 199 triệu cổ phiếu nữa.
Các nhà sản xuất than gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ, đây là một sự phát triển bất ngờ đối với ngành công nghiệp chịu trách nhiệm lớn nhất về lượng khí thải carbon. Tại hội nghị thượng định về khí hậu COP26 diễn ra tại Glasgow (Anh) năm ngoái, hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Indonesia, nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, cũng đã tăng cường các quy định để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng than đốt vẫn còn phổ biến, tạo ra khoảng 35% lượng điện năng của thế giới. Con số này ở Indonesia là gấp đôi.
Hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch cũng như cuộc chiến ở Ukraine đã làm gia tăng nhu cầu đối với than. Các quốc gia như Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu than của Nga, khiến cho nguồn cung càng thêm thắt chặt và giá bị đẩy cao hơn.
Đối với Bayan Resources, nơi ông Low đang đảm nhận vai trò chủ tịch, thì điều đó lại rất có lợi. Cổ phiếu của công ty ông đang giao dịch gần mức kỷ lục. Doanh thu tăng hơn gấp đôi lên 2,9 tỷ USD vào năm ngoái và công ty đã trả được tất cả các khoản nợ.
Theo Giám đốc Tài chính của Bayan Resources, hiện công ty khai thác mỏ này đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới để tăng cường năng lực sản xuất lên 60 triệu tấn vào năm 2026 so với mức 37,6 triệu tấn trong năm 2021.
Không chỉ Bayan Resources, cổ phiếu của các công ty khai thác than ở Indonesia đều tăng mạnh trên diện rộng, giúp nhiều ông trùm ngành than trở nên giàu có hơn. Tập đoàn khai thác than PT Adaro Minerals Indonesia, do tỷ phú Garibaldi Thohir kiểm soát, đã tăng gần 2.800% kể từ khi ra mắt công chúng vào tháng 1. Cổ phiếu của PT Harum Energy tăng vọt 175% trong năm qua cũng đã đưa giá trị cổ phần của người sáng lập lên 2 tỷ USD.
Bà Shirley Zhang, Nhà phân tích về thị trường than châu Á - Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie, cho rằng những lo ngại về môi trường vẫn chưa ảnh hưởng đến nhu cầu than của thế giới. Ngay cả khi cuộc xung đột Nga - Ukraine lắng xuống, "hầu hết các nước châu Á vẫn cần đến than cho tới năm 2050" và giá than sẽ còn tăng do thiếu nguồn cung.