Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung trong quý I/2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4%, tương ứng tăng 10,55 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: hàng dệt may tăng 1,46 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 1,22 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 829 triệu USD; hàng thủy sản tăng 788 triệu USD… so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, đối với nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 3/2022 đạt trị giá 6,54 tỷ USD, tăng mạnh 70,3% so với tháng trước.
Theo Tổng cục Hải quan, tính trong quý I/2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 14,88 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý I/2021. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 14,4%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 2,81 tỷ USD, tăng 13,2%; sang thị trường EU(27) đạt 1,7 tỷ USD, giảm 16,6%; sang Hàn Quốc đạt 1,45 tỷ USD, tăng 35,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Ở nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng đạt 5,31 tỷ USD, tăng 38,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong quý I/2022 đạt 13,24 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý I/2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 3,31 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt gần 3 tỷ USD, tăng 10,1%; sang thị trường EU(27) đạt 1,85 tỷ USD, tăng 18,5%; sang thị trường Hồng Kông đạt 1,39 tỷ USD, giảm 5,5%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,03 tỷ USD, giảm nhẹ 0,6%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, xuất khẩu trong tháng đạt 3,64 tỷ USD, tăng 31,4% so với tháng trước. Tính trong quý I/2022 trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 9,95 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong quý I vừa qua chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 4,38 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%; EU (27) với 1,28 tỷ USD, tăng 7,2%; Hàn Quốc với 699 triệu USD, tăng 25,7%; Trung Quốc với 668 triệu USD, tăng 21,4%... so với quý I/2021.
Đáng chú ý, hàng dệt may là nhóm hàng có đóng góp nhiều nhất tới 1,46 tỷ USD vào tăng xuất khẩu của cả nước trong quý I/2022 và có mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 3 đạt 3,05 tỷ USD, tăng 48,3%, tương ứng tăng hơn 1 tỷ USD so với tháng trước. Tính chung, trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 8,68 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 1,46 tỷ USD. Đây là mức tăng so với cùng kỳ cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Tính trong quý I/2022, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 4,36 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 50,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường EU(27) với 896 triệu USD, tăng 31,4%; thị trường Nhật Bản với 771 triệu USD, giảm 2,9%; Hàn Quốc với 754 triệu USD, tăng 6,9%...
Đối với xuất khẩu giày dép các loại trong tháng đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 49,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong quý I/2022 đạt 5,29 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoa Kỳ và EU tiếp tục là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong quý I/2022 với trị giá và tốc độ tăng so với quý I/2021 lần lượt là 2,25 tỷ USD (tăng 17,5%) và 1,3 tỷ USD (tăng 19,3%). Tính chung, trị giá nhóm hàng giày dép xuất khẩu sang 2 thị trường chính đạt 3,55 tỷ USD, chiếm 67% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Đặc biệt, hàng thủy sản, lần đầu tiên xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/tháng và tính đến hết quý I/2022, xuất khẩu nhóm hàng này đóng góp lớn thứ 4 vào tăng xuất khẩu cả nước so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết quý I/2022, xuất khẩu hàng thủy sản đạt 2,52 tỷ USD, tăng cao 45,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 788 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều tăng cao cụ thể: sang Hoa Kỳ đạt 574 triệu USD, tăng 70,8%; sang Nhật Bản đạt 347 triệu USD, tăng 13%; sang EU(27) đạt 297 triệu USD, tăng 57,4%.
Riêng thị trường Trung Quốc quý I/2022 đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 326 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 167 triệu USD.
Sắt thép các loại, trong tháng 3/2022, lượng xuất khẩu sắt thép đạt 956 nghìn tấn, trị giá đạt 909 triệu USD, tăng 76,4% về lượng và tăng 71,9% về trị giá so với tháng trước.
Tính trong quý I/2022, lượng sắt thép xuất khẩu là 2,28 triệu tấn, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước và trị giá đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14%. Xuất khẩu sắt thép các loại chủ yếu sang EU(27) đạt 465 nghìn tấn, tăng mạnh 23,5%; sang Campuchia đạt 376 nghìn tấn, tăng 2,3%; sang Malaysia với 193 nghìn tấn, tăng 4,9%... so với cùng kỳ năm 2021.