Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho rằng tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng hàng hóa và lạm phát toàn cầu gia tăng là những nguyên nhân khiến nợ nần tồn đọng.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia cho rằng tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng hàng hóa và lạm phát toàn cầu gia tăng là những nguyên nhân khiến nợ nần tồn đọng.
Ngày 15/7, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cảnh báo khoảng 60% số quốc gia kém phát triển nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ trong bối cảnh lạm phát leo thang và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu bị đứt gãy.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 (FMCBG) lần thứ 3 tại Bali, bà Mulyani cho rằng tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng hàng hóa và lạm phát toàn cầu gia tăng là những nguyên nhân khiến nợ nần tồn đọng. Khó khăn này xảy ra với cả những quốc gia đang phát triển và những quốc gia phát triển.
Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo một số quốc gia sẽ bị vỡ nợ do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Malpass cho biết đối với nhiều quốc gia, suy thoái kinh tế sẽ khó tránh khỏi. Nền kinh tế một quốc gia sẽ bị coi là suy thoái khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.
Hội nghị FMCBG lần thứ 3 có sự tham dự của hơn 400 đại diện đến từ các nước thành viên G20 và các tổ chức quốc tế khác, với 17 bộ trưởng tài chính và 10 thống đốc ngân hàng trung ương tham dự trực tiếp.
Nước Chủ tịch Indonesia cũng đã mời Bộ trưởng Tài chính Ukraine tham dự sự kiện.