Theo số liệu thống kê của HOSE, sàn giao dịch này không có bất kỳ cổ phiếu mới nào “nhập cuộc” trong tháng 6/2022, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp HOSE vắng tiếng cồng chào đón cổ phiếu niêm yết mới.
Theo số liệu thống kê của HOSE, sàn giao dịch này không có bất kỳ cổ phiếu mới nào “nhập cuộc” trong tháng 6/2022, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp HOSE vắng tiếng cồng chào đón cổ phiếu niêm yết mới.
Tính từ đầu năm đến nay, chỉ có vỏn vẹn 6 cổ phiếu niêm yết mới trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), bao gồm: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVF), CTCP Minh Hưng Quảng Trị (GMH), CTCP Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV), Tổng công ty Phát điện 3 – CTCP (PGV), CTCP Công trình Viettel (CTR) và CTCP Đầu tư Nhãn hiệu Việt (ABR).
Cả 6 công ty trên đều tập trung niêm yết mới trên HOSE trong quý 1/2022 khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh lịch sử. Bước sang quý 2/2022, thị trường hoàn toàn vắng bóng cổ phiếu niêm yết mới.
Khoảng thời gian này cũng trùng hợp với thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến kém sôi động, khi chỉ số VN-Index "bốc hơi" hơn 300 điểm và lùi về dưới mốc 1.200 điểm.
Trước đó, hoạt động niêm yết mới trên HOSE cũng bị “đóng băng” hoàn toàn vào quý 2 và 3/2021 do tình trạng nghẽn lệnh cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo lộ trình, HOSE sẽ là nơi tập trung giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết. Việc niêm yết trên HOSE thường là bệ phóng giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị doanh nghiệp; đồng thời cũng là cơ hội để công ty xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, minh bạch trong mắt nhà đầu tư và khách hàng cũng như đẩy mạnh hoạt động theo thông lệ tốt nhất, với những chuẩn mực cao hơn trong quản trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với diễn biến thị trường chứng khoán còn nhiều yếu tố rủi ro như hiện nay, kế hoạch hoạt động niêm yết mới của các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng, khó thực hiện đúng lộ trình đề ra.
Xem thêm: HOSE: Tháng 6, khối ngoại mua ròng trên 1.900 tỷ đồng
Thực tế, tính đến ngày 13/7, danh sách công ty nộp hồ sơ niêm yết được cập nhật trên website của HOSE có 9 doanh nghiệp, với khối lượng đăng ký chưa tới 1,3 tỷ cổ phiếu.
Ngay cả khối doanh nghiệp tài chính - ngân hàng, trong mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, một số ngân hàng đang giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM đã thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung như Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank); Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank); Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (NamABank)... Tuy nhiên, đến giữa tháng 7, kế hoạch niêm yết của các ngân hàng này cũng chưa có thông tin cụ thể.
Theo các chuyên gia, việc lên sàn sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn dễ dàng hơn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn Basel II và sắp tới là Basel III. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố rủi ro ngắn hạn, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang khá thận trọng thì việc chuyển sàn, niêm yết cổ phiếu ở thời điểm này cũng không phải là lựa chọn khôn ngoan.
“Game” chuyển sàn, niêm yết mới có thể sẽ không đủ lực hút sự chú ý của giới đầu tư, thị giá khó có sự tăng trưởng vượt trội như thời điểm thị trường thuận lợi.
Bên cạnh đó, một hoạt động khác được kỳ vọng tạo thêm “hàng mới” cho thị trường, đó là cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã ban hành danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn trong năm 2022. Trong danh sách này, SCIC đưa ra 101 doanh nghiệp, tăng đáng kể so với con số 88 doanh nghiệp cần triển khai bán vốn trong kế hoạch năm 2021.
Xem thêm: Vốn hóa HOSE “bốc hơi” hơn 1,15 triệu tỷ đồng trong quý 2