Ngày 14/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và Kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2022.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022 là thời điểm diễn ra rất nhiều những sự kiện và những yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của thế giới nói chung, của Việt Nam nói riêng. Điển hình, là đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát với những chủng mới trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Ngay sau đó, khó khăn lại đến khi xảy ra các xung đột địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine. Những xung đột thương mại giữa các nước lớn tiếp tục tăng cao làm cho tình hình thế giới bất định. Các quốc gia đều tung ra những gói kích cầu sau đại dịch và vì thế cũng làm gia tăng tình hình lạm phát... Các yếu tố trên đã dẫn đến những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, nhất là các vật tư chiến lược như: Xăng dầu, phân bón và các nguyên, nhiên vật liệu khác...
“Trước bối cảnh đó, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật về kinh tế xã hội, chính trị ổn định, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Vai trò và vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định và nâng cao. Trong thành tích chung có sự đóng góp rất quan trọng và tích cực của ngành Công Thương” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, kết quả, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước... đều tăng cao. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã được cải thiện theo hướng tích cực, tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%).
Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%), đạt gần 186 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 20% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,3%).
Bộ Công Thương nhận định, đây là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%). Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu: 6 tháng năm 2022 cấp C/O mẫu CPTPP đạt 1,32 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu cũng ghi nhận tăng cao, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 185,23 tỷ USD, và cơ bản được kiểm soát tốt. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
6 giải pháp trọng tâm
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, có thể xảy ra suy thoái ngắn hạn, xung đột tại Ukraina có thể kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm tàng rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực...
Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu năm 2022 như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng 7,88%; Điện thương phẩm tăng 7,1 - 9,1%, trong 6 tháng cuối năm, ngành Công Thương tập trung thực hiện 6 giải pháp chính.
Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế.
Hai là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón…cho sản xuất và sinh hoạt.
Ba là, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình UBTVQH và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Bốn là, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất: Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Năm là, kiện toàn, ổn định mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.