Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động được công bố ngày hôm qua (13/7), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - được dùng để đo tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn so với dự kiến của các chuyên gia kinh tế.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động được công bố ngày hôm qua (13/7), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - được dùng để đo tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn so với dự kiến của các chuyên gia kinh tế.
Cụ thể, tỷ lệ lạm phát tháng 6 của Mỹ đã tăng lên tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức 8,8% theo ước tính của Dow Jones. Điều này đánh dấu mức tăng lạm phát lớn nhất nước Mỹ kể từ tháng 11/1981.
Nếu loại trừ giá lương thực và năng lượng, CPI cốt lõi tăng 5,9%, nhỉnh hơn 0,2% so với ước tính 5,7%. Chỉ số này từng đạt đỉnh 6,5% vào tháng 3/2022 và giảm dần kể từ thời điểm đó.
So sánh với tháng trước, CPI toàn phần của tháng 6 tăng 1,3% và CPI lõi tăng nhẹ 0,7%, cả hai đều tăng cao hơn dự đoán lần lượt là 1,1% và 0,5%.
Có thể thấy, những dữ liệu kinh tế được công bố ngày hôm qua dường như phản bác lại quan điểm trước đó về việc lạm phát Mỹ có thể đã đạt đỉnh.
Robert Frick, nhà kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union, cho biết: “Chỉ số CPI đã tạo ra một cú sốc khác. Mặc dù sự tăng vọt của CPI bắt đầu chủ yếu từ giá năng lượng và lương thực, vốn là những vấn đề toàn cầu, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước vẫn tiếp tục tăng, từ nhà ở cho đến ô tô và quần áo”.
Chỉ số lạm phát có thể đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tình thế gian nan hơn.
Thậm chí, giới đầu tư tin rằng, Fed sẽ mạnh tay tăng lãi suất lên 100 điểm cơ bản vào cuộc họp chính sách diễn ra ngày 26 - 27/7 tới.
Xem thêm: Đi tìm nguyên nhân cho câu hỏi: Tại sao Bitcoin chưa thể là hàng rào chống lại lạm phát?
Bên cạnh đó, giá năng lượng tháng 6 tăng 7,5% so với một tháng trước đó và bật tăng lên 41,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực cũng tăng lên 1%, trong khi chi phí nhà ở, chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI, tăng 0,6% trong tháng và 5,6% so với năm ngoái.
Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát nhảy vọt là do giá xăng dầu. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá xăng tháng 6 tăng 11,2% so với tháng 5 và gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí điện lần lượt tăng 1,7% và 13,7% so với tháng 5/2022 và một năm trước đó. Tương tự, chi phí chăm sóc y tế tăng 0,7% trong tháng, do dịch vụ nha khoa tăng 1,9%, mức tăng hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận đối với lĩnh vực này kể từ năm 1995.
Giá vé máy bay là một trong số ít lĩnh vực có sự đi xuống khi giảm 1,8% trong tháng 6 dù vẫn tăng 34,1% so với một năm trước. Nhóm hàng thịt, gia cầm, cá và trứng cũng giảm 0,4% trong tháng nhưng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng diễn ra trên diện rộng tiếp tục gây khó khăn đối với người tiêu dùng khi họ phải trả giá cao hơn cho hầu hết mọi mặt hàng.
Đối với người lao động, báo cáo lạm phát này là đòn đánh thẳng vào túi tiền bởi thu nhập điều chỉnh theo lạm phát, dựa trên thu nhập trung bình hàng giờ, đã giảm 1% trong tháng và giảm 3,6% so với một năm trước.
Ngoài ra, tính từ đầu năm đến nay, Fed đã nâng mức lãi suất chuẩn thêm 1,5 điểm phần trăm và dự kiến, cơ quan này tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến khi lạm phát lùi gần về ngưỡng mục tiêu 2%.
Thế nhưng, ở một diễn biến khác, có một vài lý do để tin rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong tháng này. Cụ thể, giá xăng đã giảm từ mức đỉnh hồi tháng 6 xuống còn 4,64 USD/thùng.
Chỉ số hàng hóa S&P GSCI, một chỉ số tổng hợp của hàng hóa đo lường hoạt động của thị trường hàng hóa, đã giảm 7,3% trong tháng 7 mặc dù vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 17,2%.
Xem thêm: Bồ Đào Nha chi gần 1,7 tỷ euro kiềm chế lạm phát