Dưới góc độ PTKT, đà giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên tới và các mốc hỗ trợ tâm lý hiện không nhiều ý nghĩa khi tình trạng chênh lệch cung cầu vẫn chưa có lời giải.
Dưới góc độ PTKT, đà giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên tới và các mốc hỗ trợ tâm lý hiện không nhiều ý nghĩa khi tình trạng chênh lệch cung cầu vẫn chưa có lời giải.
Giao dịch cẩn trọng
CTCK BIDV – BSC
Ngưỡng hỗ trợ hiện tại của VN-Index là mốc 900 điểm khi cứ lùi chạm đến vùng này là chỉ số bật lên. Chỉ số kết phiên ở mốc 911.9 điểm, giảm gần 30 điểm so với phiên trước đó khi hoạt động bán giải chấp diễn ra trên diện rộng. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 18/19 ngành giảm điểm, trong đó ngành Dầu khí có mức giảm mạnh nhất hơn 7%.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này là điểm sáng khi mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong thời gian này khi VN-Index liên tiếp phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ. Theo nhận định, đà giảm điểm sẽ tiếp diễn.
Đà giảm điểm sẽ tiếp diễn
CTCK Tân Việt - TVSI
Áp lực bán trên bình diện chung của thị trường vẫn quá lớn so với khả năng hấp thụ của dòng tiền trong giai đoạn hiện tại khi số lượng cổ phiếu giảm và giảm sàn chiếm áp đảo. TVSI cho rằng, lực cung bán chủ yếu vẫn từ hoạt động giải chấp cộng với tâm lý bán thu hẹp danh mục khi mất niềm tin của người cầm cổ phiếu.
Dòng vốn ngoại tiếp tục mua vào quyết liệt phiên thứ ba liên tiếp nhưng cũng không ngăn được tâm lý bán tháo của thị trường chung. Dưới góc độ PTKT, đà giảm điểm nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong phiên tới và các mốc hỗ trợ tâm lý hiện không nhiều ý nghĩa khi tình trạng chênh lệch cung cầu vẫn chưa có lời giải.
Vẫn cần thận trọng trước áp lực “giải chấp” đang tiếp diễn
CTCK Rồng Việt - VDSC
Áp lực “giải chấp” trên diện rộng tiếp tục gây sức ép lên thị trường ngay từ đầu phiên giao dịch mới. Mặc dù, các chỉ số có động thái dừng giảm và “rút chân” nhẹ tại mốc tâm lý 900 điểm, tuy nhiên, diễn biến hồi phục này của thị trường chưa thuyết phục.
Lực cầu hỗ trợ chủ yếu đến từ một số cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn, trong khi đó, phần lớn cổ phiếu vẫn chưa thể thoát khỏi trạng thái giảm sâu.
Với động thái hỗ trợ còn mờ nhạt quanh ngưỡng tâm lý 900 điểm, dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục lùi bước và kỳ vọng lực cầu hỗ trợ tốt hơn tại vùng 880 điểm.
Do đó, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước áp lực “giải chấp” đang tiếp diễn và cần quan sát kỹ động thái của dòng tiền hỗ trợ để đánh giá trạng thái thị trường.
Xem thêm: Các công ty đổ xô gia tăng tiền mặt khi chứng khoán ổn định và lạm phát giảm bớt
Cần kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu tích cực rõ ràng hơn
CTCK Kiến Thiết Việt Nam - CSI
Đà giảm có phần được thu hẹp về cuối phiên khi VN-index tiến sát mốc tâm lý 900 điểm, nhưng xem ra tâm lý của giới đầu tư đã có phần buông lơi, chán nản.
Thanh khoản duy trì ở mức trung bình dù lượng cổ phiếu dư bán sàn còn rất lớn nên không loại trừ khả năng áp lực bán sẽ vẫn tiếp diễn mạnh trong phiên sáng hôm sau.
Xét về kỹ thuật, VN-Index đang tiếp cận mốc hỗ trợ ngắn hạn 890 điểm và có khả năng sẽ test trong phiên ngày mai. Nhưng rủi ro ở thời điểm hiện tại lớn hơn cơ hội khi lực bán giải chấp vẫn còn và chưa được giải quyết xong.
Vì vậy, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng, thay vì bắt đáy, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu tích cực rõ ràng hơn trước khi mở vị thế mua mới.
Tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường
CTCK Vietcombank – VCBS
Lực cầu về cuối phiên khi VN- Index giảm về mốc 900 điểm đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm và đóng cửa tại 911 điểm. Về góc nhìn kỹ thuât, sau khi chạm mốc 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng tương ứng với vùng 900 điểm, lực cầu xuất hiện trở lại giúp cho VN-Index đóng cửa tạo được mẫu hình nến Bullish rejection.
Tuy nhiên các chỉ báo vẫn đang hướng xuống tiêu cực nên chưa thể khẳng định rằng VN-Index sẽ nhanh chóng tạo đáy tại đây. Nếu lực cầu quay trở lại, VN-Index có thể sẽ tạo được điểm cân bằng quanh khu vực 900 điểm. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát thị trường, chờ đợi những diễn biến tích cực hơn thay vì giải ngân bắt đáy sớm.
Xem thêm: Thị trường tiền điện tử: Giới đầu tư mất 2.000 tỷ USD sau 1 năm đạt đỉnh