Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Richard Thaler nói rằng, dù Mỹ ghi nhận số liệu GDP hai quý liên tiếp tăng trưởng âm nhưng vẫn chưa rơi vào suy thoái.
Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Richard Thaler nói rằng, dù Mỹ ghi nhận số liệu GDP hai quý liên tiếp tăng trưởng âm nhưng vẫn chưa rơi vào suy thoái.
Richard Thaler chia sẻ: “Tôi không thấy bất cứ điều gì giống với một cuộc suy thoái. Chúng ta có tỷ lệ thất nghiệp thấp, và nhu cầu tuyển dụng cao kỷ lục. Đó là dấu hiệu của một nền kinh tế khỏe mạnh”.
Thaler, người nhận Giải thưởng Nobel về Khoa học Kinh tế năm 2017, được biết đến với công trình nghiên cứu kinh tế học hành vi, xoay quanh cách người tiêu dùng đưa ra các quyết định trái với lý thuyết kinh tế thông thường.
Ông là đồng tác giả cuốn sách, "Lý thuyết cú hích: Cải thiện các quyết định về sức khỏe, sự giàu có và hạnh phúc", mô tả cách thức lý thuyết này có thể được sử dụng để hình thành nên các giải pháp chính sách công hiệu quả hơn và "cải thiện" hành vi của con người.
Ông bổ sung: “Nền kinh tế đang tăng trưởng, và tốc độ tăng của giá cả chỉ nhỉnh nhẹ hơn một chút. Điều này chứng minh GDP đang trên đà giảm nhưng tôi thấy thật buồn cười khi coi đó là suy thoái. Tình hình hiện nay không giống bất kỳ cuộc suy thoái nào mà tôi từng chứng kiến trong đời mình”.
GDP của Mỹ quý II/2022 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi sụt 1,6% trong quý đầu tiên.
Bên cạnh đó, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) là cơ quan chính thống xác nhận liệu nền kinh tế số một thế giới có rơi vào suy thoái, nhưng họ sẽ không sớm đưa ra phán quyết trong nhiều tháng tới.
Xem thêm: Những con số tích cực về kinh tế Mỹ liệu có kéo dài?
Khi được hỏi về lạm phát của Mỹ, vốn đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Bảy, Thaler nói, “Đã có cuộc tranh luận kéo dài về việc liệu lạm phát có phải là nhất thời hay không. Những người cho rằng lạm phát sẽ diễn ra trong dài hạn nhận được sự ủng hộ lớn hơn, nhưng tôi cho rằng tuyên bố trên của họ ở thời điểm này là quá vội vàng”.
“Có thể một năm nữa chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vẫn tiếp diễn và đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng bối cảnh đó sẽ không diễn ra hoặc ít nhất, một trong hai vấn đề sẽ “hạ nhiệt”, qua đó giúp kéo giảm hàng hóa”, Thaler nói.
Thaler cũng đề cập đến vấn đề tiền lương của Mỹ, vốn tăng chậm so với năng suất từ những năm 1970 nhưng lại ghi nhận mức tăng mạnh trong hai quý gần đây khi thị trường lao động thắt chặt.
Thaler cho biết: “Nếu tôi là người đứng đầu một công đoàn, tôi chắc chắn sẽ yêu cầu đợt tăng lương lớn trong năm tới để bù đắp cho công nhân của tôi trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang. Nếu lạm phát là hiện tượng nhất thời, tôi hoàn toàn ủng hộ điều đó vì thu nhập thực tế của người lao động liên tục suy giảm”.
“Dấu hiệu thiếu hụt lao động đang hiện diện khắp nơi. Các nhà hàng ở Mỹ đều treo biển “tuyển nhân viên" ngoài cửa. Tiền lương sẽ tiếp tục tăng lên, và đó là không phải một tín hiệu xấu”, ông Thaler đưa ra quan điểm.
Xem thêm: Mục tiêu “hạ cánh mềm” của Mỹ đang ở rất gần?