Nhu cầu lớn song tình trạng “nhỏ giọt” nguồn cung các dự án nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra. Theo dự báo, tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm 2022.
Nhu cầu lớn song tình trạng “nhỏ giọt” nguồn cung các dự án nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra. Theo dự báo, tình trạng này có thể tiếp diễn trong năm 2022.
Bộ Xây dựng thống kê, có 1.119 dự án nhà ở thương mại, với hơn 352.000 căn đang xây dựng, tính chung bằng 81% so với quý 1, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2020, gồm miền Bắc có 236 dự án, miền Trung có 163 dự án và miền Nam có 720 dự án.
Bộ Xây dựng cho biết trong quý 2/2021, theo số liệu tổng hợp từ 55/63 địa phương có báo cáo, có 3 dự án với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn.
Còn 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa. Có 2 dự án với 264 căn hoàn thành tại Phú Thọ và Long An. Ngoài ra là, 5 dự án với 1.855 căn hộ tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên và An Giang được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
=> Xem thêm: Từ ngày 1/9, đi làm sổ đỏ cần những giấy tờ gì theo quy định mới?
Những con số này cho thấy, các dự án nhà ở xã hội còn đang rất khiêm tốn so với nhu cầu.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, tại kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Đình Khang (Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở.
Ông Khang dẫn chứng, có những địa phương tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân. Điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự.
Từ đó, ông Khang đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện.
Trước đó, vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ thay đổi căn bản tư duy thiết kế luật, cơ chế chính sách, các giải pháp phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó, ông sẽ ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) hồi đầu năm nay cho biết, trong năm 2020, phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, căn hộ cao cấp chiếm 70% lượng nhà ở.
=> Xem thêm: Chung cư giá bình dân trụ vững sau “cú đấm bồi” Covid lần 4
Theo Bộ Xây dựng, hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50-70 m2 với mức giá bán dao động dưới 20 triệu/m2.
Như tại Hà Nội, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13,5-16 triệu đồng/m2, như: Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (1.167 căn hộ, có giá bán 15,8 triệu đồng/m2); Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (3.040 căn hộ, có giá bán 16 triệu đồng/m2); Dự án nhà ở xã hội CT4 Kim Chung, Đông Anh (484 căn hộ, có giá bán 13,5 triệu đồng/m2).
Tại TP. HCM, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13-25 triệu đồng/m2 như: Dự án nhà ở xã hội An Phú Tây (311 căn hộ, có giá bán 13 triệu đồng/m2); Dự án Phú Thọ DMC đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 (1.088 căn hộ, có giá bán 25 triệu đồng/m2).
Tại TP. Đà Nẵng, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mức giá bán bình quân từ 7,2-12,7 triệu đồng/m2. Tại TP. Cần Thơ, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với mức giá bán bình quân từ 12-18 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm kinh phí bảo trì)…
=> Xem thêm: Nhiều ngân hàng tiếp tục siết chặt điều kiện cho vay bất động sản
Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế kéo dài không những trong năm 2021, mà còn kéo dài đến năm 2022. Nền kinh tế muốn phục hồi phải mất ít nhất là 1-2 năm. Dự báo, tương đối lạc quan là nền kinh tế phục hồi vào năm 2023. Về giá BĐS tăng, tới mức nào đó sẽ phải dừng. Cơ cấu sản phẩm BĐS tại Việt Nam phần lớn mang tính đầu cơ và đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Nếu sản phẩm BĐS không được thanh toán, giá tăng "ảo", cộng với nền kinh tế khó khăn, giá có thể "rơi mạnh" bất cứ lúc nào. Lúc đó, lực cầu giảm nhiệt dễ kéo theo sự đổ vỡ của thị trường.