Các ngân hàng dự báo rủi ro tín dụng tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021, dự kiến sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện cho vay bất động sản.
Các ngân hàng dự báo rủi ro tín dụng tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021, dự kiến sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện cho vay bất động sản.
Theo Báo cáo về cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 6/2021 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các TCTD nhận định nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực. Dự kiến nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt dòng vốn vay đổ vào bất động sản (BĐS), chứng khoán.
Các ngân hàng thương mại dự báo nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng sẽ tiếp tục gia tăng từ nay đến cuối năm ở tất cả đối tượng, kỳ hạn và lĩnh vực (trừ lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch giảm do tác động của đại dịch).
Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, có tới 17 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết từ nay đến cuối năm dự kiến tiếp tục "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết nhóm khách hàng. Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác như đầu tư kinh doanh chứng khoán, tài chính, bảo hiểm… vẫn bị thắt chặt cho vay.
Cụ thể, các điều khoản, điều kiện cho vay cũng sẽ được siết hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, trong đó có cho vay bất động sản để ở.
Trước đó, NHNN cũng nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ TCTD nhận định đã đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của khách hàng đủ điều kiện đạt tỷ lệ cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây (38 TCTD, tương đương 44,9%). Còn lại tỷ lệ TCTD nhận định đáp ứng từ 75-100% nhu cầu vay vốn của khách hàng tiếp tục duy trì ở mức cao hơn 90%.
Trong 6 tháng đầu năm, rủi ro tín dụng được nhận định tăng chậm hơn 6 tháng cuối năm 2020 ở tất cả các lĩnh vực, ngoại trừ các khoản vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh chứng khoán và kinh doanh du lịch được đánh giá rủi ro tăng mạnh hơn. Mức độ rủi ro của các khoản vay kinh doanh du lịch tiếp tục được nhiều TCTD đánh giá tăng cao thứ 2 chỉ sau khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, rủi ro tín dụng được dự báo tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021. Còn rủi ro tín dụng tổng thể năm 2022 được kỳ vọng giảm nhẹ so với năm 2021.
Mức độ rủi ro của các khoản vay kinh doanh du lịch tiếp tục được nhiều TCTD đánh giá tăng cao thứ 2 chỉ sau khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2021. Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, rủi ro tín dụng được dự báo tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021. Rủi ro tín dụng tổng thể năm 2022 được kỳ vọng giảm nhẹ so với năm 2021.
Trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đều khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều người đặt câu hỏi việc này sẽ thắt chặt cho vay bất động sản ảnh hưởng thế nào tới người có nhu cầu mua nhà và thị trường bất động sản sau khi đại dịch được kiểm soát?
Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng lãi suất cho vay bất động sản sẽ có thể cao hơn một chút so với những lĩnh vực ưu tiên khác. Như hiện OCB đang cho khách hàng doanh nghiệp vay đầu tư dự án bất động sản ngắn hạn với lãi suất khoảng 8%-9%/năm; Nam A Bank cho khách hàng doanh nghiệp vay ngắn hạn đầu tư bất động sản khoảng 7,5%-9%/năm; khách hàng cá nhân vay mua nhà khoảng 11%/năm…
Một chuyên gia kinh tế đánh giá trong xu hướng siết tín dụng chảy vào bất động sản, người vay mua nhà để ở có thể bị ảnh hưởng. Bởi lãi suất cho vay có thể cao hơn và việc giải ngân sẽ khó hơn. Dù bất động sản có thể là lĩnh vực cho vay an toàn bởi có tài sản thế chấp, nếu vay mua nhà để ở thường là người có nhu cầu thật sự nhưng trong bối cảnh dòng vốn được NHNN định hướng nắn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19, thì tín dụng bất động sản bị siết là dễ hiểu.
"Thời điểm này, thanh khoản của thị trường bất động sản xuống thấp, giao dịch kém sôi động; trong khi những người vay vốn 10-15-20 năm mua nhà để ở đang có thu nhập sụt giảm trong đại dịch cũng ngày càng nhiều… Lúc này, các ngân hàng sẽ thẩm định chặt hơn như không vay cho các dự án đất nền ở xa, vùng ven hoặc thiếu tính pháp lý; tỉ lệ cho vay căn hộ thay vì 70% như trước có thể giảm xuống chỉ 50% đòi hỏi người vay mua nhà phải có tiền tích lũy nhiều hơn”, chuyên gia này phân tích.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp bất động sản, việc ngân hàng siết tín dụng vào lĩnh vực này đã diễn ra từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang huy động vốn từ phát hành trái phiếu nên ít bị ảnh hưởng. Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 92.300 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 10,36%/năm, thấp hơn 0,23 điểm % so với bình quân năm ngoái. Kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp giữ ở mức 3,8 năm.
SSI dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong quý 3 từ cả phía cung và cầu do việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn hạn chế và mức lãi suất hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp được duy trì.