Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây đã kêu gọi các Ngân hàng Trung ương cần “nhanh chóng và dứt khoát” tăng lãi suất nhằm ngăn chặn sự gia tăng lạm phát.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây đã kêu gọi các Ngân hàng Trung ương cần “nhanh chóng và dứt khoát” tăng lãi suất nhằm ngăn chặn sự gia tăng lạm phát.
Trong những ngày gần đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã tổ chức cuộc họp thường niên để các Ngân hàng Trung ương lớn có thể gặp nhau và thảo luận về những khó khăn hiện tại đối với hệ thống tài chính toàn cầu.
Giá năng lượng và lương thực tăng cao đồng nghĩa với việc lạm phát ở nhiều nơi hiện đang ở mức nóng nhất trong nhiều thập kỷ qua và điều này buộc Ngân hàng Trung ương cần phải mạnh tay tăng lãi suất.
Tuy nhiên, giải pháp này lại vô tình dấy lên bóng ma của suy thoái và thậm chí gây ra lạm phát đình trệ giống như những năm 1970 - thời điểm giá cả đồng loạt đi lên và tăng trưởng kinh tế ở ngưỡng thấp.
Agustín Carstens - Tổng Giám đốc BIS cho biết: “Chìa khóa đối với các ngân hàng trung ương là hành động nhanh chóng và dứt khoát trước khi lạm phát trở nên cố hữu”.
Đồng tình quan điểm trên, Carstens - Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, cho biết, trọng tâm vấn đề là phải hành động khẩn trương trong những quý tới.
Bên cạnh đó, BIS cũng cho rằng, kinh tế vẫn có thể đạt được hạ cánh mềm dù đó là một tình huống hết sức khó khăn.
Ông Carstens cho hay: “Độ khó của mục tiêu hạ cánh mềm sẽ phụ thuộc vào mức độ kéo dài của những cú sốc lạm phát này. Thậm chí, nếu sự thắt chặt chính sách tiền tệ tạo ra những tổn thất và sự điều chỉnh tài sản lớn cũng như gây ảnh hưởng đến tiêu dùng, đầu tư và việc làm, việc tiến đến đích “hạ cánh mềm” chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức hơn”.
Xem thêm: Thách thức “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ
Thị trường thế giới đang phải hứng chịu một trong những đợt bán tháo lớn nhất trong thời gian gần đây khi các Ngân hàng Trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và ECB đều dự kiến nâng lãi suất lên ngưỡng cao trong tháng tới.
Trên lĩnh vực chứng khoán, thị trường toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm lên tới 20% và một số nhà phân tích cho rằng, trái phiếu kho bạc Mỹ có khả năng phải trải qua mức giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm nay kể từ 1788.
Ngoài ra, báo cáo BIS đã được công bố mới đây cũng cho biết rằng, những sự cố gần đây trên thị trường tiền điện tử là một dấu hiệu cho thấy những mối rủi ro được cảnh báo từ trước đối với tiền kỹ thuật số phi tập trung hiện đang thành hiện thực.
Thế nhưng, sự sụp đổ đó không được cho là sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng hệ thống giống như cách mà các khoản nợ xấu gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặt khác, Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Mexico nhận định, dù không gây ra khủng hoảng tài chính nhưng sự thất bại trên thị trường tiền ảo sẽ gây ra hậu quả khá lớn và bản chất không rõ ràng của vũ trụ tiền điện tử đã tạo ra sự không chắc chắn.
Quay trở lại bức tranh kinh tế vĩ mô, ông nói thêm rằng, BIS hiện không mong đợi một giai đoạn lạm phát đình trệ trên diện rộng bị kéo dài.
Mặc dù nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu và BIS đã đánh giá thấp đáng kể mức độ tăng nhanh của lạm phát toàn cầu trong vòng 6 đến 12 tháng qua, nhưng họ sẽ không mất đi sự tín nhiệm khó kiếm được chỉ sau một đêm, ông chia sẻ.
“Mọi người có thể tranh luận về sai số thời gian của một số hành động nhất định và phản ứng của các ngân hàng trung ương. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ rằng các Ngân hàng Trung ương đã phản ứng mạnh mẽ theo cách rất nhanh nhẹn. Điều này tạo nên sự tín nhiệm của các Ngân hàng Trung ương”, ông Carstens cho hay.